Cảng Lạch Huyện có tên đầy đủ là Cảng Container Quốc Tế Tân Cảng (HICT) tại Hải Phòng. Đây là cảng container chuyên dụng lớn nhất phía Bắc nước ta, với sản lượng thông qua ngày càng tăng, và tiếp tục phát triển thêm trong thời gian tới.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết về Cảng cửa ngõ này.
Với lợi thế cảng nước sâu cùng với đó là đầu mối giao thông vận tải phía bắc, vận tải hàng hóa bằng đường biển tại Hải Phòng phát triển từ rất sớm, với tốc độ tăng nhanh chóng trong khoảng thời gian gần đây nhất là vận tải hàng container. Khi lượng hàng hóa thông qua các cảng khu vực phía Bắc ngày càng tăng, bình quân tăng gần 20%, tăng khoảng 60% trong vòng 10 năm qua.
Sự gia tăng đột ngột ấy đã khiến cho hệ thống hạ tầng cảng biển của Hải Phòng trở nên quá tải không còn khả năng đón tàu trọng tải lớn. Vì thế, Cảng Container Quốc Tế Tân Cảng-Hải Phòng được tiến hành xây dựng là giải pháp hiệu quả nhất.
Việc hoàn thành đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cùng với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn và cầu Bạch Đằng dài 5,44 km trên tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, hiện đại của Bắc bộ, rút ngắn thời gian lưu thông giữa các tỉnh phía Bắc tới Khu công nghiệp Đình Vũ (Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải) và cảng quốc tế tại đây. Một trong những cửa ngõ kết nối giao thương với ASEAN và Trung Quốc vô cùng quan trọng.
Cảng container Quốc tế Tân Cảng - Hải Phòng TC-HICT (Tan Cang Hai Phong International Container Terminal) là cảng biển nước sâu đầu tiên của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, cửa ngõ kết nối với thế giới của khu vực miền Bắc. Cảng được xây dựng trên diện tích 44,9 ha bãi, độ sâu trước bến 16 m, vũng quay tàu rộng 660 m, độ sâu luồng tàu 14 m (chưa tính thủy triều) tại thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng
Giai đoạn đầu cảng được đầu tư 2 bến cảng container có tổng chiều dài 750m có tiếp nhận tàu container sức chở 14.000 TEU, tàu tổng hợp có trọng tải 160.000 DWT. Bến tàu, bến sà lan dài 150m tiếp nhận nhận tàu, sà lan chở container đến 160 TEU.
Giai đoạn 2020 – 2025, cảng tiếp nhận lượng hàng hóa khoảng từ 45 - 50 triệu tấn/năm, tiếp nhận tàu tổng hợp trọng tải đến 50.000 tấn, tàu 100.000 tấn giảm tải; tàu container đến 6.000 TEU, tàu 8.000 TEU giảm tải. Giai đoạn đến năm 2030 và sau năm 2030, sẽ được nâng cấp để tiếp nhận tàu tổng hợp trọng tải 100.000 tấn, tàu container đến 8.000 TEU.
Có thể khẳng định, Cảng Lạch Huyện giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Cảng đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hoá vận tải bằng đường biển ngày càng tăng của các tỉnh, thành phố, khu kinh tế trọng điểm Bắc bộ, đặc biệt là vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Khi đi vào khai thác, Cảng Container Quốc Tế Tân Cảng - Hải Phòng sẽ góp phần đưa hàng hóa xuất, nhập khẩu của khu vực miền Bắc cũng như cả nước có thể đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ, mà không phải trung chuyển qua các cảng tại khu vực như Singapore, Hồng Kông. Điều này sẽ góp phần giảm đáng kể chi phí vận tải, tăng năng lực cạnh tranh đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Sơ đồ Cảng Container Quốc Tế Tân Cảng - Hải Phòng
• Bến chính : D750m R50m Độ sâu trước bến -16m ( 2 bến liền kề )
• Bến sà lan : D150m R30m Độ sâu trước bến -5m
• Bãi container : 41ha. (Tổng số 28 làn, trong đó container hàng 22 làn, lạnh 2 làn, container rỗng 4 làn)
• Cẩu bờ : 8 cẩu bờ tầm với 65m, chiều cao dưới khung chụp 46m, sức nâng dưới khung chụp 65t.
• Cẩu bãi : 24 cẩu điện bánh lốp ERTG.
• 30 xe đầu kéo / xe nâng hàng 2 chiếc / xe nâng rỗng 2 chiếc.
Cẩu điện bánh lốp
Cẩu bờ
• Lễ khai trương Cảng Container Quốc tế Hải Phòng
Ngày 13 tháng 5 năm 2018, Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Hải Phòng (HICT), một liên doanh giữa Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (nắm giữ 51% vốn), Công ty TNHH MITSUI O.S.K Lines Nhật Bản (nắm giữ 17,5% vốn), Công ty Wan Hai Lines Đài Loan (nắm giữ 16,5% vốn) và Tập đoàn Itochu Nhật Bản (nắm giữ 15% vốn) đã tổ chức lễ khai trương và đón chuyến tàu đầu tiên cập Cảng.
• Cảng Container quốc tế Hải Phòng đón tàu E.R AMSTERDAM 6.000 TEU.
Tàu E.R AMSTERDAM trọng tải 67.557 DWT, sức chở 6.008 TEU, là tuyến dịch vụ NIX (FIVE) của 4 hãng tàu hợp tác cùng khai thác gồm: Gold Star Line, Evergreen, KMTC và Pendulum với lịch trình ”Hazira, Ấn Độ– Colombo – Port Klang, Malaysia – Singapore – Hai Phòng, Việt Nam – Qingdao, Trung Quốc”.
• Ngày 29 tháng 6 năm 2018, Cảng đón tuyến dịch vụ Ấn Độ đầu tiên ( Tàu 6000 TEU ).
• Ngày 10 tháng 4 năm 2019, Cảng Container quốc tế Hải Phòng chào đón tuyến dịch vụ xuyên Thái Bình Dương đầu tiên.
• Ngày 30 tháng 4 năm 2019, Cảng Container quốc tế Hải Phòng đón chuyến tàu 12,000 TEU WAN HAI 805.
• Ngày 27 tháng 4 năm 2020, Cảng Container quốc tế Hải Phòng chào đón tuyến dịch vụ xuyên Thái Bình Dương ACCI.
• 19 tháng 5 năm 2020, Cảng Container quốc tế Hải Phòng Chào đón tuyến dịch vụ xuyên Thái Bình Dương PS3.
Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng (TC-HICT) thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài gòn – Quân chủng Hải quân chào đón thêm tuyến dịch vụ hàng hải mới với tàu siêu trọng tải mang tên ONE CONTRIBUTION có trọng tải 90.000 tấn với sức chở 8.560 TEU, chiều dài 316 m là một trong 11 tàu siêu trọng tải khác thuộc Liên minh THE Alliance gồm 4 hãng tàu ONE (Nhật bản), Hapag Lloyd (Đức), Yang Ming (Đài loan) và HMM (Hàn quốc) khai thác trên tuyến dịch vụ PS3 xuyên Thái Bình Dương kết nối trực tiếp miền Bắc và miền Nam của Việt Nam với khu vực bờ Tây Hoa Kỳ với hải trình TC-HICT (Hải phòng) - Kaohsiung - Los Angeles - Oakland - Busan - Shanghai - Ningbo - Shekou - Singapore - Port Klang - Nhava Sheva - Pipavav Port - Colombo - Singapore - TCIT (Cái Mép).
• Tổ chức lễ khởi động dự án đầu tư xây dựng các bến container 3,4,5,6 thuộc Cảng Container Quốc Tế Tân Cảng - Hải Phòng.
Theo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), bến cảng số 3, số 4 thuộc khu bến cảng Lạch Huyện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1323/QĐ-TTg ngày 9/10/2019 và giao Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (thành viên của VIMC) là nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư 6.946 tỷ đồng.
Dự án sẽ xây dựng 2 bến container cho tàu tải trọng tới 100.000DWT (tương đương sức chở 8.000TEU), chiều dài 750m, rộng 50m; bến sà lan, dịch vụ cho tàu có sức chở đến 160TEU (3.000DWT), dài 250m, rộng 15m; kè bảo vệ bờ; hệ thống bãi chứa hàng, đường giao thông, các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trên diện tích 47 ha.
Các thiết bị chính phục vụ khai thác là 6 cần trục STS trên bến chính; 24 cần trục RTG; 2 xe nâng RSD; 1 xe nâng vỏ container; 50 đầu kéo + rơ-moóc; 1 cầu trục xưởng sửa chữa; 8 cân xe tại cổng cảng và phần mềm quản lý vận hành cảng TOS.
Trong khi đó, dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 5, số 6 khu bến Cảng Container Quốc Tế Tân Cảng - Hải Phòng được chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 299/QĐ-TTg ngày 4/3/2021 và điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định 186/QĐ-TTg ngày 11/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hateco là chủ đầu tư 2 bến cảng này, với vốn đầu tư thực hiện dự án hơn 8.951 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 (từ năm 2020-2025) đầu tư hơn 8.339 tỷ đồng; giai đoạn 2 (từ năm 2030) hơn 611 tỷ đồng.
Để phù hợp với điều kiện tiếp nhận của kết cấu hạ tầng liên quan và đáp ứng các yêu cầu về an toàn, 2 bến có chiều dài 900m (mỗi bến dài 450m) tiếp nhận cỡ tàu container đến 12.000TEUs hoặc đến 18.000TEU; 1 bến sà lan có chiều rộng 100m, tiếp nhận tàu, sức chở 160 TEU.
Bên cạnh đó, tiến hành xây dựng trên diện tích đất khoảng 58,4042 ha hệ thống kho bãi, hạ tầng phục vụ cảng, khu nước đậu tàu, các công trình bảo vệ cảng và khu nước kết nối với luồng hàng hải công cộng Lạch Huyện.
Theo người phụ trách kinh doanh hãng tàu One tại Việt Nam cho biết, 6 tháng vừa qua, tàu mẹ vào cảng lấy hàng liên tục phải giảm tải do độ sâu khu nước trước bến cảng bị sa bồi.
Tuần nào cập cảng tàu tải trọng hơn 100.000 DWT cũng phải giảm tải 20-30% lượng hàng hóa so với kế hoạch ban đầu. Tình trạng này kéo dài không chỉ khiến hàng hóa liên tục phải lùi thời gian xuất khẩu mà còn những tuyến dịch vụ khai thác các cỡ tàu lớn hơn, hãng cũng chưa dám cho vào.
Hãng tàu Cosco cũng đang rất sốt ruột bởi tình trạng bồi lắng trước cảng, tàu không thể khai thác hết năng lực vận chuyển. Mới đây nhất, tuần đầu tiên của tháng, một tàu của Cosco vào Lạch Huyện dự kiến xếp 18.000 tấn hàng nhưng cuối cùng chỉ xếp được hơn 14.000 tấn, lượng hàng hóa còn lại sẽ chuyển lịch vận chuyển sau.
Cảng Vụ Hàng Hải Hải Phòng cho biết, theo kết quả đo đạc, độ sâu khu nước trước bến Cảng Container Quốc Tế Tân Cảng - Hải Phòng hiện chỉ đạt từ 8,6 – 9m, trong khi độ sâu ban đầu là 16m. Đây là nguyên nhân chính khiến tàu gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận hàng hóa tại cảng.
Sự khó khăn cũng vì dòng chảy từ nội địa ra biển có hướng chuyển từ cửa Nam Triệu lên Lạch Huyện do biên độ thủy triều vùng Bắc Hạ Long cao hơn vùng Nam Hạ Long .
Cầu Tân Vũ – Lạch Huyện dài 5,4 km nối nội thành Hải Phòng với Cát Hải xây dựng dựa trên cách thức vượt sông bằng hệ thống cầu có chân cọc ở hạ lưu kênh Đình Vũ, qua sông Bạch Đằng. Hệ thống cọc này đã ngăn cản sa bồi ra cửa Nam Triệu, sa bồi sẽ chạy ngược sông Bạch Đằng và ra biển bằng cửa Lạch Huyện.
Để giải quyết tình trạng trên, Cảng vụ hàng hải Hải Phòng đã làm việc với Công ty TNHH Cảng Container Quốc tế Tân Cảng Hải Phòng. Đơn vị này cho biết, thời gian qua, do một số vướng mắc trong công tác đấu thầu nên chưa thể triển khai nạo vét khu nước trước bến và cam kết sẽ xúc tiến, chậm nhất trong quý 2/2021 sẽ bắt đầu triển khai nạo vét, đảm bảo năng lực khai thác.
Theo kế hoạch, luồng vào Cảng Container Quốc Tế Tân Cảng - Hải Phòng sẽ được nạo vét đến - 13,5m. Với khối lượng nạo vét lớn, thời gian thi công dự kiến kéo dài khoảng hơn 4 tháng.
Tuy Cảng Container Quốc Tế Tân Cảng - Hải Phòng là động lực tăng trưởng chính của cụm cảng Hải Phòng nhưng với những hạn chế về cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, mức độ khai thác vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Do vậy, UBND TP Hải Phòng đang nghiên cứu xây dựng thêm cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2 song song với cầu Tân Vũ 1 để nâng cao hệ thống hạ tầng khu vực này. Vì lượng hàng hóa vận chuyển qua cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 1 trong tương lai sẽ bị quá tải, nhu cầu vận chuyển tới cảng sẽ bị ảnh hưởng nhiều.
Bên cạnh phương án xây cầu, dự án đường sắt kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện đang được nghiên cứu xây dựng, kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện.
Nằm ở vị trí thuận lợi, Cảng Container Quốc Tế Tân Cảng - Hải Phòng là đầu mối của các tuyến đường thuỷ nội địa, đường ven biển đi đến khu vực Quảng Ninh và toàn bộ các tỉnh đồng bằng trung du Bắc Bộ; kết nối với cảng feeder Tân cảng 128, Tân cảng 189 và ICD Tân cảng Hải Phòng, ICD Tân cảng Hà Nam của Tổng công ty Tân cảng Sài gòn. Cảng kết nối thông thương với cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Trung bộ và vùng Tây Nam Trung Quốc bằng đường bộ qua cầu Tân Vũ Lạch Huyện ra cao tốc Hải Phòng-Hà Nội.
Cảng Container Quốc Tế Tân Cảng - Hải Phòng cùng với sân bay quốc tế Cát Bi, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng góp phần hoàn thiện hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế và hạ tầng giao thương giữa Hải Phòng với các tỉnh thành trong nước và vươn ra khắp thế giới; mở ra nhiều cơ hội để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, tạo động lực cho thành phố cảng cất cánh và phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh phía Bắc.
Mặc dù Cảng container Quốc tế Tân Cảng - Hải Phòng mới đi vào hoạt động, được đầu tư đồng bộ, hiện đại, chuyên nghiệp. Song cảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong các mặt công tác, với các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh ấn tượng; bảo đảm tốt công tác an ninh, an toàn, cho thấy nỗ lực vượt bậc của cán bộ, công nhân, người lao động; trật tự trị an và an ninh chính trị được giữ vững.
New! Comments
Have your say about what you just read! Leave me a comment in the box below.