LOCAL CHARGE LÀ GÌ?

Local charge là gì? Đã bao gồm trong cước vận chuyển chưa?

Rất nhiều chủ hàng khi nhập hàng về Việt Nam, khi nhận được Giấy báo hàng đến (A/N), mới giật mình khi biết ngoài cước biển, họ sẽ còn phải nộp khá nhiều những khoản mục chi phí khác nữa thì mới được hãng tàu “nhả lệnh” lấy hàng.

Thực ra những khoản phụ phí đó không phải là những khoản thu vô lý mà hãng tàu buộc khách hàng phải trả, mà trong đó có những khoản thu hộ Cảng, bù đắp những chi phí phát sinh trong chuyến đi. Kể tên đầy đủ từng khoản Local Charge thì nhiều, vậy hãy cùng Vinalogs điểm qua một vài cái tên chính trong bài viết dưới đây nhé. 

local charge là gì

Local Charge là gì?

Local Charge là các khoản phí phụ thu mà hãng tàu tính đối với lô hàng vận chuyển đường biển. Một số khoản thì người gửi hàng (Shipper) phải trả, một số khác thì thu từ người nhận hàng (Consignee).

Phí này còn được hiểu là phí địa phương, do được thu tại 2 đầu cảng xếp hoặc dỡ. Cũng có thể dùng thuật ngữ tương tự là phụ phí cước biển.

Sở dĩ có Local Charge là vì trong vận tải tàu chợ (tàu định tuyến), các khoản mục phí đều được công khai. Do đó hãng tàu tách riêng phần cước biển của họ, khỏi các chi phí khác. Các khoản phí khác ngoài cước biển thường liên quan tới yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như yếu tố tắc nghẽn cảng, tỷ giá hối đoái, giá nhiên liệu tăng… Cũng có thể là các khoản phí liên quan đến bên thứ 3 như cảng biển, kho bãi, kênh đào.

Bằng cách tách riêng như vậy, hãng tàu sẽ chủ động điều chỉnh cước theo thị trường vận tải (thông qua khoản tăng giảm cước biển - thường gọi là GRI/GRD), mà vẫn giữ nguyên các khoản phụ phí, hoặc ngược lại. Nghĩa là 2 loại này độc lập tương đối với nhau.

Cũng chính vì lý do trên, mà khi thị trường vận tải yếu do nhu cầu thấp, bạn sẽ thấy có hãng tàu chào “cước biển âm”, nghe như hãng tàu trả tiền cho chủ hàng. Điều đó nghe qua thì phi lý nhưng nếu đem cộng cả 1 loạt phụ phí vào, thì sẽ thấy tổng thu của hãng tàu (cước biển + Local Charges) luôn là số dương. Vấn đề trở lên sáng tỏ ngay phải không?!

Đến đây có lẽ bạn đã hiểu rõ thêm vai trò của Local Charge là gì, và tại sao hãng tàu không tính gộp hết vào tiền cước biển.

Những khoản phụ phí Local Charge với hàng xuất khẩu

1. THC (Terminal Handling Charge)

THC là phụ phí xếp dỡ tại cảng mà hãng tàu phải trả khi Cảng làm các tác nghiệp liên quan đến xếp dỡ hàng. Hãng tàu sẽ từ đó mà “charge” các khách hàng của họ. THC được tính dựa trên số lượng cont và loại container, container nào càng có giá trị lớn (hàng lạnh, hàng hàng nguy hiểm) thì phụ phí THC càng cao

>> Tìm hiểu chi tiết về phí THC

2. Seal Fee

Để đảm bảo về trách nhiệm liên quan đến vận chuyển hàng hóa của khách hàng, mỗi hãng tàu sẽ yêu cầu phải kẹp chì của riêng hãng tàu đỏ để đảm bảo hãng tàu nhận hàng của khách hàng và giao hàng nguyên hiện trạng. Chính vì thế khách hàng cũng phải trả tiền cho chiếc chì đó.

3. B/L Fee

Phí làm Bill of Lading (Vận đơn đường biển) do hãng tàu phát hành cho người book tàu. Nếu có sai sót phải sửa Bill mà báo muộn quá thời hạn, chủ hàng sẽ lại phải trả thêm tiền cho hãng tàu 1 khoản gọi là Phí sửa Bill.

4. AMS (Advanced Manifest System)

Phí khai báo Manifest trước chi tiết hàng hóa do hải quan 1 số nước như: Canada, Mỹ, Trung, Mexico… yêu cầu trước khi hàng hóa được xếp lên tàu chờ xuất.

5. Demurrage / Detention

Đây là khoản phụ phí chỉ phát sinh khi hàng hóa của bạn hạ hàng chờ xuất sau giờ cut off của hãng tàu và hàng của bạn bị rớt lại. Khi đó người xuất khẩu sẽ phải chờ chuyến tàu tiếp theo và tất nhiên trả thêm các khoản phụ phí lưu cont tại kho của người xuất khẩu (Detention) và phí lưu cont tại bãi của Cảng (Demurrage). Thông thường đối với hàng xuất khẩu, hãng tàu sẽ chỉ cho khách hàng 5 ngày DEM/DET với hàng container khô, vì vậy khách hàng cần phải có kế hoạch đóng hàng và làm thủ tục hải quan hợp lý để tránh phát sinh chi phí.

>> Cách phân biệt phí DEM và DET

6. Power Charge

Phụ phí này gọi là Phí cắm lạnh, áp dụng thu đối với những container hàng lạnh cần cắm điện để giữ lạnh tại cảng. Có những hãng tàu sẽ thu theo số giờ cắm điện, nhưng cũng có những hãng tàu thu phí cắm điện theo ngày (số giờ lẻ làm tròn lên theo ngày). Tên khác: Reefer Plugin Charges, Plugin and Monitoring Charges.

7. Late Payment

Đơn giá tính theo từng B/L đối với những lô hàng thanh toán cước biển và phụ phí trễ so với thời gian quy định của hãng tàu.

Những khoản phụ phí Local Charge với hàng nhập khẩu

1. THC (tại cảng dỡ)

Cũng chính là phí xếp dỡ hàng hóa (tương tự như THC cảng xếp nêu trên), nhưng tính cho đầu cảng xếp.

2. D/O FEE

Tương tự như B/L, hãng tàu cũng thu phí phát hành D/O (Lệnh giao hàng) khi khách hàng muốn lấy lệnh, kể cả đó có là Lệnh giao hàng điện tử - EDO.

3. CCF (Container Cleaning Fee)

Phí vệ sinh container, mức phí sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại cont. Đây là phí chủ hàng nhập phải trả để để hãng tàu làm vệ sinh vỏ container rỗng, sau khi người nhận đã dỡ hàng và hoàn trả vỏ cont về bãi Depot.

4. CIC (Container Imbalance Charge)

CIC được hiểu nôm na là phụ phí mất cân bằng lượng container. Khi vận chuyển hàng hóa bằng container giữa các quốc gia, không tránh khỏi việc sẽ có những quốc gia nhập nhiều hơn là xuất hàng, gây ra tình trạng mất cân bằng trong việc luân chuyển container. Chính vì thế mỗi năm hãng tàu sẽ phải chi trả một khoản tiền rất lớn để điều chuyển vỏ container từ nơi đang dư thừa đến nơi thiếu.

>> Tìm hiểu thêm phụ phí CIC là gì

5. DEM/DET (tại đầu nhập khẩu)

Khách hàng hoàn tất thủ tục hải quan nhập khẩu, làm lệnh lấy hàng ra khỏi Cảng để kéo về kho của người mua thì thông thường hãng tàu sẽ cho khách hàng của mình 5 ngày DEM lưu container hàng tại Cảng và 3 ngày DET lưu cont tại kho của người mua đối với hàng container thường. Quá thời gian này mà người mua không trả container rỗng về cho hãng tàu thì mới bị thu thêm phụ phí DEM/ DET.

Phụ phí khác

1. BAF (Bunker Adjustment Factor)

Giá nhiên liệu của hãng tàu phụ thuộc chủ yếu vào biến động của giá dầu trên thế giới. Chính vì thế BAF sinh ra để bù đắp những chi phí khi giá dầu lên quá cao. BAF là phụ phí xăng dầu kí hiệu cho các tuyến châu u, còn đối với tuyến châu Á thì sẽ thường được biết đến với cái tên EBS (Emergency Bunker Surcharge).

>> Tìm hiểu chi tiết về phí BAF

2. CFS (Container Freight Station fee)

Khi container được dỡ xuống khỏi tàu thì còn phải làm thêm tác nghiệp lái xe đưa hàng vào kho CFS rồi mới mở cont dỡ hàng lẻ, chính vì thế CFS là khoản phí phụ thu đối với hàng LCL xuất hiện.

>> Tìm hiểu chi tiết về phí CFS

3. PSS (Peak Season Surcharge)

Đây là khoản phụ phí thường được thu vào mỗi tháng 8 – tháng 10 hàng năm khi thị trường châu Mỹ bước vào mùa cao điểm với các ngày lễ lớn như Lễ Tạ Ơn, Giáng sinh…

>> Tìm hiểu chi tiết về phí PSS

4. SCS (Suez Canal Surcharge)

Đây là phụ phí áp dụng cho hàng hóa vận chuyển trên tuyến đường biển phải đi qua kênh đào Suez.

5. CAF (Currency Adjustment Factor)

Phụ phí biến động tỷ giá hối đoái là khoản phụ phí cước biển mà hãng tàu thu từ chủ hàng để bù đắp chi phí phát sinh do biến động tỷ giá ngoại tệ.

>> Tìm hiểu chi tiết về phí CAF

6. Phí LSS (Low Sulfur Surcharge)

Phụ phí giảm thải lưu huỳnh, được áp dụng đối với vận tải hàng hóa đường biển và đường hàng không, nhiều nhất là đường biển vì lượng xả thải của các con tàu biển là rất lớn.

>> Tìm hiểu chi tiết về phí LSS

7. Phí DDC (Destination Delivery Charge)

Phí DDC (Destination Delivery Charge) là phụ phí xử lý hàng tại cảng đích. Đây là một khoản phí mà chủ tàu hoặc chủ hàng phải chi trả cho việc dỡ hàng khỏi tàu, sắp xếp đảo chuyển container tại cảng (terminal) và chi phí ra vào bến cảng tại điểm đến cuối cùng.

>>Tìm hiểu chi tiết về phí DDC

Biểu phí local charge của 1 số hãng tàu lớn ở Việt Nam

Khách hàng có thể dễ dàng tìm thấy biểu phí local charge trên website của hãng tàu vì chúng luôn được công khai. Nếu cảm thấy khó khăn trong công việc tìm kiếm, đừng ngần ngại hãy gọi điện trực tiếp cho bộ phận chăm sóc khách hàng của hãng tàu để có những hướng dẫn chi tiết hơn.

1. ONE

local charge là gì

2. CMA

local charge là gì

Qua bài viết trên đây, hi vọng các khách hàng hay bạn đọc của Vinalogs đã hiểu được khái niệm Local Charge là gì, và nắm được những khoản phụ phí phổ biến với hàng xuất và với hàng nhập. Rất cảm ơn các bạn đã đón đọc!


New! Comments

Have your say about what you just read! Leave me a comment in the box below.