Thủ tục nhập khẩu vật liệu xây dựng mới nhất hiện nay

Việc làm thủ tục nhập khẩu vật liệu xây dựng có một số công việc tương đối đặc thù so với những hàng hóa thông thường.

Vậy cần phải thực hiện những gì, có bước nào phức tạp hơn, và cần nắm được những quy định nào để làm thủ tục được suôn sẻ…? Bạn sẽ giải đáp được những thắc mắc đó trong bài viết này.

Nhập khẩu thép vật liệu xây dựng

Chính sách mặt hàng đối với vật liệu xây dựng

Theo quy định hiện hành, vật liệu xây dựng không thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu. Vì thế nên bạn có thể tiến hành nhập khẩu như bình thường.
Tuy vậy trước khi mua hàng, bạn cần xác định xem loại hàng cụ thể mà bạn định nhập về có thuộc danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành hay không.

Bạn có thể tìm đọc Thông tư 19/2019/TT-BXD của Bộ Xây Dựng. Thông tư này ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các loại sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng cụ thể. Dựa vào đó, bạn kiểm tra xem mặt hàng dự định nhập khẩu cần đáp ứng được quy chuẩn nào.

Nhập khẩu vật liệu xây dựng không khó, nhưng cần nắm vững được quy trình cũng như các văn bản điều chỉnh. Nếu bạn đang có nhu cầu tìm 1 đơn vị cung cấp dịch vụ thủ tục nhập khẩu mặt hàng này, tốt nhất nên hợp tác với đơn vị đã có kinh làm hàng này rồi. Vinalogs có nhiều kinh nghiệm hoàn thành thủ tục cho các lô hàng vật liệu xây dựng như gạch ốp lát, đá tự nhiên, kính xây dựng,...

Mã HS của vật liệu xây dựng

Việc xác định mã HS là cần thiết, không chỉ với riêng mặt hàng vật liệu xây dựng nhập khẩu và là với tất cả các loại hàng xuất nhập khẩu. Thông qua mã HS có thể kiểm tra được về thuế suất nhập khẩu, về chính sách cho hàng được hưởng ưu đãi thuế theo các hiệp định thương mại (FTA), về chính sách quản lý Nhà nước cụ thể,...

Bạn có thể tự kiểm tra mã HS trong biểu thuế xuất nhập khẩu dựa vào quy tắc áp mã HS hàng hóa. Hoặc có thể liên hệ cho chúng tôi để được tư vấn hỗ trợ.

Nhập khẩu vật liệu xây dựng

Thủ tục nhập khẩu vật liệu xây dựng

Sau khi đã có mã HS chính xác của loại hàng nhập khẩu, bạn dựa vào QCVN 16:2019-BXD để xác định lô hàng của mình thuộc trường hợp nào trong 2 trường hợp sau:

  • Hàng thông thường
  • Hàng phải đạt quy chuẩn chất lượng

Đối với hàng không có yêu cầu về quy chuẩn thì bạn nhập khẩu rất đơn giản như hàng hóa bình thường: mở tờ khai, hoàn thành thủ tục với cơ quan Hải quan và đóng thuế.

Đối với hàng phải đạt quy chuẩn chất lượng, thì hàng hóa của bạn phải được một “tổ chức được thừa nhận” cấp kết quả giám định và sở Xây Dựng địa phương duyệt kết quả đó.

Vậy thì quá trình đó mất thời gian bao lâu? Nên để hàng ở cảng hay xin Hải quan mang hàng về bảo quản? Và làm việc với sở Xây Dựng ở nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động hay sở Xây Dựng gần nhất? Làm như nào để tiết kiệm thời gian và tối đa chi phí?

Qua kinh nghiệm làm hàng thực tế, Vinalogs thấy rằng bạn nên xin Hải quan cho phép mang hàng về kho bảo quản để tiết kiệm chi phí lưu cont ở cảng, vì từ lúc mở tờ khai đến khi hoàn thành thủ tục kiểm tra Nhà nước (sau đây tôi gọi tắt là KTNN) có thể mất từ 7-14 ngày.

Và lô hàng của bạn về đâu thì nên xin làm KTNN với Sở Xây Dựng tại địa phương đó sẽ tiết kiệm được đáng kể thời gian.

Quy trình cụ thể:

Đề nghị Sở Xây Dựng địa phương Kiểm tra Nhà nước:

Đối với Doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngay tại địa phương đó thì không cần làm bước này. Còn với những doanh nghiệp ở địa phương khác, ví dụ công ty bạn ở Hà Nội và lô hàng về qua cảng Hải Phòng, thì bạn làm Công văn đề nghị (theo mẫu của sở Xây Dựng) để được sở này thực hiện công tác kiểm tra lô hàng theo quy định.

Đăng ký kiểm tra Nhà nước

Khi hàng về, doanh nghiệp có thể trực tiếp đến phòng quản lý VLXD để đăng ký KTNN cho lô hàng thực tế.

Bộ hồ sơ gồm:

  1. Đăng ký kiểm tra chất lượng về hàng nhập khẩu: 2 bản
  2. Hợp đồng mua bán: 1 bản sao
  3. Danh mục hàng hóa (Packing List): 1 bản sao
  4. Hóa đơn thương mại (Commercial Invoice): 1 bản sao
  5. Vận đơn đường biển: 1 bản sao
  6. Chứng nhận xuất xứ CO-FTA (nếu có): 1 bản sao
  7. Ảnh hoặc mô tả hàng hóa chi tiết
  8. Phiếu tiếp nhận hồ sơ

Sở Xây Dựng sẽ tiếp nhận hồ sơ, xác nhận và trả lại 1 bản Đăng ký KTNN. Vậy giấy này để làm gì? Các bạn tiếp tục theo dõi bài viết này nhé.

Mở tờ khai nhập khẩu, giải phóng hàng

Doanh nghiệp tiến hành mở tờ khai nhập khẩu như thông thường, bộ hồ sơ Hải quan gồm:

  1. Tờ khai trích xuất từ hệ thống truyền điện tử
  2. Giấy giới thiệu
  3. Hóa đơn thương mại (Commercial Invoice)
  4. Danh mục hàng hóa (packing list)
  5. Vận đơn
  6. CO-FTA (nếu có): Ví dụ Form E, Form AI, Form D,...

Với bộ hồ sơ này, cán bộ Hải quan đã có thể tiếp nhận và thực hiện các công tác kiểm tra, kiểm hóa. Tuy nhiên, vì là hàng thuộc diện KTNN nên cơ quan Hải quan chưa thể thông quan khi chưa có ý kiến xác nhận đạt chất lượng của tổ chức thực hiện tra (ở đây chính là sở Xây Dựng).

Như đã trình bày, công việc kiểm tra diễn ra trong nhiều ngày, nếu hàng phải nằm ở cảng thì sẽ tốn kém tương đối chi phí lưu container, lưu bãi,... Vì vậy bạn có thể dùng bản Đăng ký KTNN mà Sở Xây Dựng trả lại để nộp cho Hải quan, đồng thời xin nộp thuế trước và mang hàng về kho bảo quản

Hồ sơ xin mang hàng bảo quản gồm:

  1. Đăng ký KTNN
  2. Công văn xin mang hàng về bảo quản
  3. Hợp đồng thuê kho, bãi (nếu kho của bạn là thuê lại)
  4. Bản chụp hoặc công chứng Chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu kho thuộc sở hữu của công ty bạn)

Bạn cần lưu ý rằng không phải lô hàng nào cũng có thể được về kho bảo quản nhé. Tùy theo thực tế loại hàng nhập khẩu và cách làm việc của đơn vị làm dịch vụ hải quan mà lô hàng của bạn sẽ được phép mang về kho hoặc không. Và hàng phải nằm tại cảng hay được mang về cũng đều phải sang bước tiếp theo.

Đăng ký lấy mẫu giám định và cấp chứng nhận hợp quy

Doanh nghiệp nộp 1 bộ hồ sơ tương tự hồ sơ Hải quan cho 1 Trung tâm giám định để đăng ký đơn vị đó làm giám định lô hàngcấp chứng nhận hợp quy (Đây phải là trung tâm được Bộ Xây Dựng thừa nhận và cho phép giám định loại hàng mà bạn đang nhập khẩu).

Về mặt quy định, trung tâm giám định cần nhân viên đến tận nơi hàng tập kết như cảng, kho, bãi để lấy mẫu.

Nếu bạn thấy phức tạp vì có nhiều giấy tờ và phải qua nhiều bên để thông quan lô hàng thì đừng lo bạn nhé, chúng tôi có thể hỗ trợ bạn làm bộ hồ sơ với trung tâm giám định mà.

Vinalogs có nhiều quan hệ với các Trung tâm này nên có thể kết nối cho bạn một trung tâm uy tín và giá cả hợp lý.

Xin thông báo kết quả kiểm tra Nhà nước

Sau khi nhận được kết quả giám định và chứng nhận hợp quy, bạn nộp các chứng từ này về Sở Xây Dựng - nơi đã nộp hồ sơ đăng ký, để lấy thông báo về Kết quả kiểm tra Nhà nước của lô hàng.

Bộ hồ sơ xin thông báo gồm:

  1. Phiếu trình
  2. Phiếu tiếp nhận hồ sơ bổ sung
  3. Biên bản lấy mẫu
  4. Kết quả thử nghiệm
  5. Quyết định cấp chứng nhận hợp quy
  6. Chứng nhận hợp quy
  7. Tờ khai phân luồng
  8. Mẫu nhãn hàng hóa đã được gắn dấu hợp quy

Sở Xây Dựng sẽ tiếp nhận hồ sơ và ra 2 bản Thông báo kết quả KTNN (Đạt hoặc không Đạt).

Thông quan lô hàng

Bạn nộp 1 bản Thông báo mà Sở Xây Dựng trả cho cơ quan Hải Quan. Nếu kết quả là Đạt thì lô hàng chính thức được thông quan.

Xin lưu ý rằng hạn nộp thông báo này là 1 tháng từ ngày được duyệt giải phóng hàng. Bạn không nên để quá hạn, nếu không lô hàng có nhiều khả năng bị chuyển đỏ trên hệ thống và phải tiến hành thêm nhiều bước công việc phát sinh.

Tổng kết lại

Việc tiến hành thông quan cho một lô hàng vật liệu xây dựng nhập khẩu tương đối phức tạp nhưng cũng không đến mức quá khó không làm được. Bạn chỉ cần tìm được một đơn vị dịch vụ uy tín và có kinh nghiệm để phối hợp là ok thôi.

Với nhiều năm kinh nghiệm thông quan nhập khẩu vật liệu xây dựng cho khách hàng, Vinalogs tự tin là một trong số những đơn vị đó, vậy nếu có nhu cầu cụ thể bạn Liên hệ cho chúng tôi nhé.


New! Comments

Have your say about what you just read! Leave me a comment in the box below.