Thủ tục nhập khẩu hóa chất, tiền chất công nghiệp

Bạn đang có nhu cầu nhập khẩu hóa chất? Hoặc các sản phẩm từ hóa chất? Doanh nghiệp của bạn lần đầu thực hiện việc này hoặc có thắc mắc trong khâu thủ tục nhập khẩu cần được tư vấn? Vậy trong bài viết này, tôi và các bạn sẽ cùng tìm hiểu về thủ tục nhập khẩu hóa chất.

Hóa chất là mặt hàng rất đặc biệt, đã được luật hóa và được kiểm soát chặt chẽ bằng rất nhiều loại văn bản pháp lý. Vì vậy, khi tiến hành nhập khẩu mặt hàng này bạn cần tìm hiểu thật kỹ, tôi xin giới thiệu 4 văn bản chính mà bạn cần nắm được, đó là:

  1. Luật hóa chất 2018
  2. Nghị định 113/2017/NĐ-CP 
  3. Thông tư 32/2017/TT-BCT
  4. Công văn số 1372/HC-VP ngày 08/12/2017

Hóa chất là gì? Loại nào được nhập khẩu?

Theo điều 4, Luật Hóa chất 2018:

Hóa chất là đơn chất, hợp chất, hỗn hợp chất được con người khai thác hoặc tạo ra từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, nguyên liệu nhân tạo.

Trong ngành hóa học, hóa chất là một dạng của vật chất có đặc tính hóa học không đổi. Không thể tách nó ra thành những thành phần nhỏ hơn bằng các phương pháp vật lý mà không bẻ gãy các liên kết hóa học. Hóa chất có các trạng thái khí, lỏng, rắn và plasma.

Trong xuất nhập khẩu mặt hàng hóa chất, ngoài tên thương mại thì tên khoa học rất quan trọng, làm căn cứ để để xác định xem loại hóa chất bạn đang hướng đến có được phép nhập khẩu hay không, và nếu có thì thuộc nhóm nhập khẩu có điều kiện hay nhập như hàng hóa thông thường.

Mỗi một loại hóa chất sẽ được ký hiệu bởi một dãy số tương ứng và duy nhất, gọi là mã CAS (Chemical Abstracts Service - tên một bộ phận thuộc hiệp hội hóa học của Mỹ).

Vậy kiểm tra mã CAS ở đâu trong bộ chứng từ nhập khẩu? Trong mua bán quốc tế mặt hàng hóa chất, ngoài các chứng từ quen thuộc như hợp đồng, hóa đơn, phiếu đóng gói... thì người bán có trách nhiệm phải cung cấp cho người mua Bảng chỉ dẫn an toàn hóa chất Material Safety Data Sheet (MSDS). Trên MSDS có đầy đủ tất cả các thông tin và mức độ nguy hiểm của loại hóa chất bạn nhập và cả mã CAS nữa.

Mã CAS trong MSDSMã CAS trong MSDS

Dựa vào mã CAS, bạn cần xác định mặt hàng đó thuộc loại nào dưới đây:

1. Hóa chất cấm nhập khẩu:

Là các loại hóa chất nằm trong phụ lục III của Nghị định 113/2017/NĐ-CP.

Trường hợp nhập khẩu để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt như nghiên cứu khoa học, phục vụ công tác quốc phòng an ninh,..v.v thì cần được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ thông qua đề nghị của bộ Công thương và các bộ liên quan khác.

Ví dụ: Sarin, Soman, Tabun, loại này có mức độ đe dọa tính mạng gấp 26 lần chất độc Xyanua. Không chỉ cấm nhập khẩu vào Việt Nam mà còn bị cấm sử dụng trên toàn Thế giới.

Hóa chất bị hạn chế nhập khẩu:

Là các loại hóa chất nằm trong phụ lục II của Nghị định 113/2017/NĐ-CP.

Để được nhập loại này, bạn cần có cấp phép của Bộ Công thương.

Ví dụ: Nicotin, Cadimi Sulfua,...

3. Hóa chất được nhập khẩu nhưng phải khai báo hóa chất:

Là các loại hóa chất nằm trong phụ lục I của Nghị định 113/2017/NĐ-CP.

Để được nhập loại này, bạn cần thực hiện khai báo hóa chất. Bước công việc này giờ đây đã nhanh chóng và đơn giản hơn trước nhờ áp dụng việc khai báo trên hệ thống một cửa quốc gia.

Ví dụ: Axit Cloric, Bạc Nitrat, Canxi Cacbua,...

4. Hóa chất được nhập khẩu như hàng hóa thông thường:

Nếu loại hóa chất mà bạn cần nhập không nằm trong danh mục cấm, danh mục phải khai báo thì có thể tiến hành nhập khẩu như hàng hóa thông thường. Cần phải lưu ý rằng, nếu hóa chất bạn nhập không phải đơn chất mà là hợp chất, hỗn hợp thì cần đối chiếu tất cả mã CAS với các danh mục nêu trên.

XIN CẤP PHÉP NHẬP KHẨU HÓA CHẤT HẠN CHẾ SXKD

Như đã nêu ở trên, để được nhập khẩu các hóa chất trong danh mục hạn chế kinh doanh, bạn cần xin cấp phép nhập khẩu.

Hồ sơ xin cấp phép bao gồm khá nhiều giấy tờ:

  1. Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất.
  2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  3. Bản kê khai về từng địa điểm kinh doanh.
  4. Bản sao Quyết định phê duyệt các tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường.
  5. Bản sao Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
  6. Bản kê khai thiết bị kỹ thuật, trang bị phòng hộ lao động và an toàn của từng địa điểm kinh doanh hóa chất.
  7. Bản sao bằng trung cấp trở lên về chuyên ngành hóa chất của người phụ trách về an toàn hóa chất.
  8. Bản sao hồ sơ huấn luyện an toàn hóa chất theo quy định.

Phiếu an toàn hóa chất của các hóa chất nguy hiểm trong cơ sở kinh doanh theo quy định.

Bạn có thể gửi bộ hồ sơ thông qua hệ thống 1 cửa Quốc gia vnsw.gov.vn. Nếu bộ hồ sơ chưa hợp lệ thì trong 3 ngày sẽ được phản hồi để bổ sung; còn nếu hợp lệ thì trong 16 ngày sẽ nhận được kết quả. (Điều 12, Nghị định 113/2017/NĐ-CP).

KHAI BÁO HÓA CHẤT

Việc khai báo hóa chất trong những năm gần đây được đơn giản và rút gọn thời gian đáng kể, nhờ áp dụng khai báo qua Cổng Thông tin một cửa Quốc gia vnsw.gov.vn.

Các bước tiến hành khai báo hóa chất:

Bước 1: Chuẩn bị bộ hồ sơ, bao gồm:

  • Hóa đơn thương mại hoặc giấy thông báo hàng đến cảng (nếu là hàng phi thương mại, không thực hiện mua bán và thanh toán).
  • Bản khai báo hóa chất (mẫu 5, phục lục VI, nghị định 113/2017/NĐ-CP)
  • Phiếu an toàn hóa chất nếu là hàng nguy hiểm (theo phụ lục VI nghị định 113/2017/NĐ-CP).
  • Các giấy tờ đi kèm khác.

Bước 2: Đăng ký tài khoản trên vnsw.gov.vn

Bước 3: Tiến hành khai báo trực tuyến trên vnsw.gov.vn

  • Truy cập vào website https://vnsw.gov.vn/ và đăng nhập.
  • Chọn bộ công thương – Khai báo hóa chất để mở cửa sổ khai báo hóa chất.
  • Thêm hồ sơ và nhập dữ liệu khai báo.
  • Sau khi nhập thông tin trên, các bạn tiến hành nhập thông tin hóa chất.
  • Sau đó nhấn gửi và sử dụng CKS để ký, hệ thống sẽ phản hồi kết quả cho bạn ngay hoặc trong khoảng 1 giờ.

Nếu bạn chưa thạo việc này, chúng tôi có thể hỗ trợ cho bạn.

Thủ tục hải quan & vận chuyển

Dịch vụ của Vinalogs giúp bạn xuất nhập khẩu hàng hóa nhanh chóng, tiết kiệm!

Làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu


Quy định về nhập khẩu tiền chất công nghiệp

Tiền chất hóa chất công nghiệp là loại hóa chất đặc biệt, dùng làm nguyên liệu, dung môi, chất xúc tiến trong sản xuất, nghiên cứu khoa học, phân tích, kiểm nghiệm, đồng thời là các hóa chất không thể thiếu trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy. 

Tiền chất hóa chất được phân làm 2 nhóm:

  1. Tiền chất công nghiệp Nhóm 1 gồm các hóa chất thiết yếu được sử dụng trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy.
  2. Tiền chất công nghiệp Nhóm 2 gồm các hóa chất được sử dụng làm chất phản ứng hoặc làm dung môi trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy.

Vấn đề này đã được quy định thể tại:

  • Điều 11, điều 12, điều 13 của Mục 3, Nghị định 113/2017/NĐ-CP; 
  • Mục 2.1 và 2.2 của Công văn số 1372/HC-VP ngày 08/12/2017.

Theo đó, một trong những điều kiện để Hải quan thông quan tiền chất công nghiệp là giấy phép nhập khẩu. Hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu bao gồm:

  1. Văn bản đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất công nghiệp theo mẫu quy định của Bộ Công thương.
  2. Bản sao giấy tờ về việc đăng ký thành lập đối với tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu lần đầu.
  3. Bản sao hợp đồng hoặc một trong các tài liệu: Thỏa thuận mua bán, đơn đặt hàng, bản ghi nhớ, hóa đơn ghi rõ tên, số lượng tiền chất công nghiệp.
  4. Báo cáo về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán và sử dụng tiền chất công nghiệp.

Bạn có thể gửi bộ hồ sơ thông qua hệ thống 1 cửa Quốc gia vnsw.gov.vn. Nếu bộ hồ sơ chưa hợp lệ thì trong 3 ngày sẽ được phản hồi để bổ sung; còn nếu hợp lệ thì trong 7 ngày sẽ nhận được kết quả. (Điều 12, Nghị định 113/2017/NĐ-CP).

Làm thủ tục hải quan nhập khẩu hóa chất

Kiểm hóa hàng hóa chấtMở cont hàng hóa chất

Sau khi đã xong các công việc trên, bạn tiến hành làm thủ tục hải quan để thông quan cho lô hàng nhập khẩu. Bộ hồ sơ gồm:

  • Hóa đơn thương mại (Commercial invoice).
  • Hợp đồng mua bán (Sales Contract).
  • Phiếu đóng gói (Packing list).
  • Vận đơn (Bill of Lading hoặc Airway Bill)
  • Chứng nhận xuất xứ (CO)
  • Certificate of Analysis.
  • Bảng CAS đi kèm. 
  • Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh nhập khẩu.
  • ...

Những lưu ý khi làm thủ tục nhập khẩu hóa chất

Hàng hóa chất thường rất khó xác định bằng cảm quan. Do đó hầu hết các loại hóa chất đầu phải giám định, phân tích phân loại, vì vậy doanh nghiệp cần áp mã HS code thật chính xác. Thêm nữa, ngoài tên khoa học thì hàng hóa chất nhập khẩu cũng cần có thêm phần công dụng, thành phần, công thức hóa học nếu có.

Do hàng hóa chất thường nằm trong danh mục hàng nguy hiểm, nên thời hạn miễn phí lưu container miễn phí lưu bãi rất ít, doanh nghiệp cần chuẩn bị cẩn thận chứng từ, thủ tục để tránh phát sinh chi phí.

Tóm lại

Việc nhập khẩu hóa chất tuy không phải đơn giản, nhưng cũng không quá phức tạp. Vấn đề cần xem xét kỹ ở đây là loại hóa chất mà bạn hướng tới có được phép nhập khẩu hay không. Và vì đây là mặt hàng đặc biệt, được quản lý giám sát chặt chẽ, bạn cần tìm hiểu kỹ, có thể phải xin giấy cấp phép mới được tiến hành nhập khẩu.

Các nội dung tôi chia sẻ trong bài viết này có thể dễ hiểu với nhiều bạn từng tiếp xúc, và đã từng tiến hành nhập khẩu. Nhưng nếu bạn là người đang tìm hiểu để thực hiện lô đầu tiên, hẳn sẽ thấy hơi rắc rối, nhất là với những từ khóa như mã CAS, mã GHS, hóa chất phải khai báo, v.v… chưa kể tới dày đặc các văn bản pháp lý liên quan đến mặt hàng này. Vậy thì, hãy liên hệ cho tôi để nhận được sự tư vấn nhanh chóng và chính xác nhất nhé.

Vinalogs - một đơn vị uy tín, có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành xuất nhập khẩu nói chung và nhập khẩu hóa chất nói riêng. Thân ái!

Thủ tục hải quan & vận chuyển

Dịch vụ của Vinalogs giúp bạn xuất nhập khẩu hàng hóa nhanh chóng, tiết kiệm!

Làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu



New! Comments

Have your say about what you just read! Leave me a comment in the box below.