Thủ tục nhập khẩu pallet gỗ, nhựa, thép

Bài viết này sẽ hướng dẫn các bước làm thủ tục nhập khẩu pallet gỗ, nhựa, thép… hoặc bằng chất liệu khác.

Sơ lược về mặt hàng pallet

Pallet trong tiếng Việt gọi là cao bản. Đây là loại giá đỡ, được sử dụng để đặt hàng hóa lên trên, mục đích là để thuận lợi và an toàn cho việc di chuyển và bảo quản hàng hóa.

Pallet gỗ để đóng hàngPallet gỗ để đóng hàng

Khi đặt hàng lên pallet, bạn có thể dùng xe nâng để di chuyển hàng hóa rất nhanh chóng và an toàn, năng suất cao hơn nhiều so với bốc xếp thủ công. Chính lợi ích như vậy đã làm cho nhu cầu sử dụng pallet ngày càng phổ biến trong các ngành công nghiệp, trong kho vận, và vận tải hàng hóa.

Về chất liệu thường thấy là loại cao bản gỗ, thường là các loại gỗ thông hoặc gỗ tạp rẻ tiền. Một số nơi còn sử dụng Pallet giấy, loại này được làm từ loại giấy đặc biệt ép chặt lại bằng keo dưới áp lực lớn. Ngoài ra còn có loại pallet bằng nhựa, hoặc bằng sắt, có độ bền chắc cao hơn, nhưng khối lượng lớn hơn và giá thành cũng cao hơn.

Bài viết này mình họa cho thủ tục loại pallet bằng gỗ, sắt, nhựa.

Pallet gỗPallet gỗ
Pallet nhựaPallet nhựa

Chính sách nhập khẩu mặt hàng pallet gỗ

Mặt hàng này không thuộc diện cấm hay bị hạn chế xuất nhập khẩu, nên có thể làm thủ tục nhập bình thường.

Tuy nhiên, mặt hàng pallet gỗ thuộc diện phải kiểm dịch thực vật, trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, hoặc từ Việt Nam xuất khẩu vào khu chế xuất, hay xuất đi nước khác (nếu người mua hàng ở nước đó yêu cầu). Quy định này áp dụng tương tự như với nhiều loại hàng hóa khác làm từ vật liệu gỗ.

Tại nước xuất khẩu, pallet gỗ phải được xử lý nhiệt để loại bỏ côn trùng. Cơ quan kiểm dịch sẽ kiểm tra để bảo đảm hàng nhập khẩu tuân thủ theo đúng các yêu cầu quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-2:2009/BNNPTNT của Việt Nam.

Về căn cứ pháp lý, tại Điểm đ Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 30/2014/TT-BNNPTNT ngày 5/9/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định rõ:

“Điều 1. Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

2. Sản phẩm của cây

đ) Gỗ tròn, gỗ xẻ, pallet gỗ, mùn cưa, mùn dừa”.

Căn cứ quy định nêu trên, có thể thấy rõ rằng mặt hàng pallet gỗ thuộc diện phải kiểm dịch thực vật khi nhập khẩu.

Tuy vậy, “pallet gỗ” trong quy định nêu trên được hiểu làm từ gỗ tự nhiên. Còn loại Plywood Pallet làm từ gỗ ép công nghiệp, thì yêu cầu lại khác. Cụ thể, theo Công văn số 651/BVTV-KD ngày 13/4/2015 của Cục Bảo vệ thực vật về việc kiểm dịch thực vật đối với vật liệu đóng gói bằng gỗ thì “[...] gỗ ép công nghiệp (plywood) sẽ không phải làm thủ tục kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu”. 

Lý do là vì gỗ ép công nghiệp có nguy cơ mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật là rất thấp nên đã được loại bỏ ra khỏi danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật và không được quy định tại Mục 11 Phụ lục I Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT.

Mã HS và Thuế nhập khẩu hàng cao bản

Mặt hàng cao bản gỗ tùy theo tính chất đặc điểm cụ thể mà áp mã HS. Bạn có thể tham khảo phân loại áp mã HS 4415.20.00 hoặc mã khác phù hợp với hàng thực tế.

Với mã HS trên, thuế suất NK ưu đãi thông thường 20%, thuế VAT cho hàng nhập là 10% (đầu năm 2022 giảm xuống 8% theo chủ hỗ trợ phục hồi kinh tế do ảnh hưởng đại dịch Covid).

Các bước làm thủ tục nhập khẩu pallet gỗ, sắt, nhựa

Dưới đây là các bước cần thực hiện khi làm thủ tục nhập khẩu hàng pallet. Tùy chất liệu, mà có sự khác nhau đôi chút.

Bước 1 - Đăng ký kiểm dịch cho hàng pallet gỗ

Với hàng pallet bằng gỗ tự nhiên, bạn cần làm hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật cho lô hàng nhập khẩu. Bạn truyền thông tin trên cổng thông tin một cửa quốc gia. Hàng qua Hải Phòng, bạn truyền qua phần mềm xong, thì vẫn cần nộp bộ hồ sơ giấy. Sau khi được duyệt và cấp số đăng ký, bạn sang bước kế tiếp.

Trường hợp pallet bằng nhựa, sắt, hoặc gỗ ép thì không cần làm thủ tục kiểm dịch (Bước 1 này và Bước 4 ở dưới).

Bước 2 - Lên tờ khai và truyền bằng phần mềm

Dùng phần mềm VNACCS đề nhập dữ liệu lô hàng, cùng với số đăng ký kiểm dịch ở bước trên. Sau đó, truyền tờ khai hải quan.

Bước 3 - Làm thủ tục hải quan

Sau khi truyền tờ khai, phần mềm sẽ phân luồng. Với hàng này thì thường là luồng Vàng, hoặc Đỏ.

Với luồng Vàng, cơ quan hải quan sẽ kiểm tra bộ chứng từ hàng hóa. Hiện nay, hầu hết các chứng từ của lô hàng (Invoice, Bill…) đều được truyền qua phần mềm. Duy chỉ có Chứng nhận xuất xứ ưu đãi đặc biệt (nếu có) mới cần nộp bản gốc cho hải quan.

Với luồng Đỏ, sau khi kiểm tra hồ sơ chuẩn chỉnh, hải quan sẽ kiểm tra thực tế xem hàng hóa có đúng như khai báo không.

Khi hải quan kiểm tra hồ sơ xong, cần có kết quả kiểm dịch (Bước 4) để làm tiếp.

Bước 4 - Lấy mẫu kiểm dịch

Bạn thu xếp mở container để cán bộ kiểm dịch lấy mẫu hàng tại cảng về làm kiểm định. Khi có kết quả kiểm dịch, bạn nộp cho cơ quan hải quan.

Nếu tờ khai luồng Đỏ (Bước 3), bạn có thể kết hợp lấy mẫu để làm kiểm dịch thực vật cùng với kiểm hóa, cho tiết kiệm thời gian và chi phí.

Bước 5 - Thông quan

Sau khi kiểm tra hồ sơ hàng  hóa xong ở Bước 3, và có kết quả kiểm dịch thực vật ở Bước 4, thì cán bộ hải quan sẽ thông quan cho lô hàng pallet nhập khẩu của bạn.

Trường hợp cần thiết, chủ hàng có thể làm công văn (theo mẫu) để xin đưa hàng về kho riêng bảo quản, trong thời gian chờ kết quả kiểm tra chất lượng. Đến khi có kết quả, nộp cho hải quan, thì mới chính thức được thông quan và đem hàng ra sử dụng, hoặc mua bán.


Như vậy, tôi đã hướng dẫn các bước để làm thủ tục nhập khẩu pallet gỗ và chất liệu khác. Bạn có thể tham khảo để tự thực hiện cho công ty mình.

Nếu bạn muốn hợp tác với đơn vị dịch vụ chuyên làm thủ tục thông quan cho mặt hàng này, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo link sau nhé.


New! Comments

Have your say about what you just read! Leave me a comment in the box below.