Thủ tục xuất khẩu đá granite, đá khối, đá xây dựng - cập nhật 2023

Thủ tục xuất khẩu đá Granite và đá xây dựng nói riêng hay các loại đá tự nhiên nói chung tương đối phức tạp và có phần khó khăn.

Lý do là bởi đây là nhóm mặt hàng khoáng sản, có tính đặc thù cao, vì thế có khá nhiều quy định ràng buộc. Tuy nhiên nếu doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và biết cách thực hiện các bước theo quy định thì hoàn toàn có thể làm thủ tục xuất khẩu cho nhóm hàng tài nguyên này.

Vậy hãy cùng Vinalogs tìm hiểu thật kỹ trong bài viết dưới đây nhé.

Trước hết, tôi muốn khái quát nhanh 1 chút về nhóm mặt hàng này.

Đá Granit vật chất được hình thành từ các dòng nham thạch nóng chảy ở nhiệt độ cao trước đây, sau đó nguội đi và hình thành cấu trúc tinh thể dạng hạt phía dưới lớp vỏ Trái đất.

Đây là loại vật liệu sau khi đã khai thác chế biến, đã được sử dụng rất phổ biến trong lĩnh vực xây dựng, nhờ có nhiều ưu điểm nổi bật:

  • Độ cứng cao, khả năng chịu lực khá tốt, giúp kéo dài tuổi thọ cho công trình.
  • Các mẫu đá Granite tự nhiên dễ thi công, khó gãy mẻ.
  • Độ bền về màu sắc rất cao, dù tại các công trình thường xuyên tiếp xúc với môi trường tự nhiên trong điều kiện nắng gió.
  • Bề mặt sáng bóng với các họa tiết đường vân tự nhiên rất bắt mắt (xem hình dưới).
  • Chịu nhiệt khá tốt, chống thấm nước, không bị bong tróc hay biến dạng.
  • Việc lau chùi vệ sinh rất đơn giản, nhanh chóng, không tốn công sức.
  • Không gây độc hại, an toàn cho sức khỏe người sử dụng.
Tên 1 số mẫu đá GraniteMột số mẫu đá Granite của Việt Nam

Bài viết này tập trung vào thủ tục xuất khẩu đá Granite. Nếu bạn muốn nhập khẩu thì có thể tìm hiểu các bước trong bài viết này.

Chính vì nhiều ưu điểm như vậy, nên các loại đá hoa cương nói chung rất được ưa dùng trong việc ốp lát các công trình xây dựng. Và do đó, mặt hàng này cũng được nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh xuất nhập khẩu: xuất bán cho nước ngoài, và mua từ nước ngoài những chủng loại mà nước ta không có thế mạnh.

Tuy vậy, vì đây là nhóm hàng từ tài nguyên thiên nhiên, nên để xuất khẩu ra khỏi Việt Nam, cũng cần lưu ý các điều kiện cụ thể...

Về xuất khẩu khoáng sản

Một số khái niệm liên quan đến đá tự nhiên xuất khẩu:

- Đá khối làm đá ốp lát là đá tự nhiên được khai thác từ các mỏ đá tạo ra sản phẩm có các mặt phẳng, dạng khối, không bị nứt nẻ, có thể tích ≥ 0,4 m3.

- Đá ốp lát là các loại đá được chế biến từ đá khối tự nhiên thành sản phẩm dạng tấm dùng để ốp, lát trong công trình xây dựng.

- Đá xây dựng là các loại đá được khai thác từ các mỏ đá tự nhiên được gia công, chế biến thành sản phẩm dùng trong công trình xây dựng.

- Đá mỹ nghệ là các loại đá được khai thác từ các mỏ đá tự nhiên được chế tác thành các sản phẩm mỹ nghệ có kích thước phi tiêu chuẩn.

Với các công ty lần đầu tìm hiểu thủ tục xuất khẩu đá tự nhiên và các đơn vị cung cấp dịch vụ thủ tục hải quan, thường sẽ hơi “ngại” làm mặt hàng này.

Chúng ta biết rằng khoáng sản được hình thành từ tự nhiên nên mỗi quốc gia đều muốn hạn chế lượng khai thác để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của nước mình. Và, cũng có thể vì lý do đó nên để xuất khẩu được khoáng sản cần phải đáp ứng được khá nhiều quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, không phải vì vậy mà khoáng sản xuất khẩu bị hạn chế mọi mặt. Đây là các mặt hàng rất gần gũi trong đời sống và đóng vai trò to lớn đến nền kinh tế quốc gia như sắt, than, đá, kẽm, vàng, dầu khí... Chúng ta có thể xuất khẩu khoáng sản ở dạng thô hoặc dạng chế biến, qua đó đem về nguồn thu ngoại tệ không hề nhỏ.

Trích Luật khoáng sản 2018:

“Nhà nước có chính sách xuất khẩu khoáng sản trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội trên nguyên tắc ưu tiên bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước.”

Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị đã nêu:

“Tài nguyên địa chất, khoáng sản vừa là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia cần phải được quy hoạch, điều tra, thăm dò đầy đủ; được quản lý tập trung, thống nhất; khai thác sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.”

Một vài ý trên cũng đã nêu bật nên được tầm quan trọng của việc quản lý khoáng sản nói chung, và xuất khẩu nói riêng, trong đó có xuất khẩu mặt hàng đá làm vật liệu xây dựng.

Điều kiện để làm thủ tục xuất khẩu đá Granite làm vật liệu ốp lát

Không chỉ với mặt hàng đá Granite hay đá Marble, mà tất cả các mặt hàng ốp lát hay vật liệu xây dựng cũng như khoáng sản nói chung đặt dưới sự quản lý của rất nhiều văn bản pháp quy. Vì thế, để tìm hiểu thủ tục chính xác trước hết ta cần biết những văn bản nào áp dụng cho mặt hàng này, tránh nhầm lẫn dẫn tới vi phạm quy định.

Ở Việt Nam, mặc dù các doanh nghiệp vẫn nhập đá ốp lát từ các nước, nhưng chúng ta cũng xuất khẩu khá nhiều đá tự nhiên từ các mỏ ở Yên Bái (đá trắng), Thanh Hóa (đá bazan, xanh), Nghệ An (trắng muối), Bình Định (granite vàng)… Vì vậy việc quản lý nguồn tài nguyên này cũng trở nên rất quan trọng.

Ngày 7-5-2021, Tổng cục Hải quan ra văn bản số 2132/TCHQ-GSQL, theo đó Cục Giám sát Quản lý hướng dẫn khai báo vào ô 1 trên phần mềm khai báo quan số giấy phép khai thác, giấy phép chế biến (thực tế nhiều người hiểu nhầm đó là giấy phép xuất khẩu).

Lưu ý đầu tiên cho lô hàng xuất khẩu của bạn là phải có giấy phép khai thác và giấy phép chế biến.

Xuất khẩu đá khốiKhai thác đá tự nhiên thế này cần phải có Giấy phép

Có khách hàng đã hỏi Vinalogs chúng tôi rằng liệu đá Granite được khai thác lên nhưng chưa gia công chế biến thì có được xuất đi không?

Theo quy định, có nhiều loại khoáng sản cần phải qua chế biến mới được xuất khẩu. Cụ thể, theo Điều 2 của Thông tư 41/2012 Bộ Công thương ban hành.

Tuy nhiên các bạn cần lưu ý Thông tư này có chỉ rõ:

“Than, dầu mỏ, khí đốt thiên nhiên, condensate, băng cháy, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khoáng sản làm vật liệu xây dựng, khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng, hợp kim, kim loại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.”

Như vậy, mặt hàng đá xuất khẩu làm vật liệu xây dựng không thuộc nhóm quản lý của Thông tư 41/2012 này.

Ngoài ra, Chỉ thị Số: 38/CT-TTg năm 2020 của Thủ tướng đã chỉ đạo rõ trách nhiệm của Bộ Xây dựng:

“Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan triển khai lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định nhằm đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch công suất khai thác đối với từng mỏ, từng khu vực khoáng sản phải có tính dự báo cáo về thị trường, có công suất tối đa, tối thiểu gắn với nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.”

Lưu ý thứ 2: lô hàng đá xuất khẩu của bạn thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.

Qua kinh nghiệm làm hàng thực tế và nghiên cứu thủ tục xuất khẩu đá Granite, Vinalogs nhận thấy rằng để xuất được mặt hàng này không quá khó. Cái khó ở đây là cần nhiều loại giấy tờ và buộc phải thực hiện chuẩn chỉnh các công việc trong từng bước.

Tiếp tục nội dung đang trình bày, lô hàng của bạn muốn xuất thì loại đá xuất khẩu cần đáp ứng được tiêu chuẩn quy định tại thông tư 04/2021 của Bộ Xây dựng (đây là thông tư mới nhất, nếu các bạn đang tìm hiểu ở những kênh thông tin khác thì cần lưu ý là Thông tư 05/2018 05/2019 đã hết hiệu lực rồi nhé).

Như vậy chúng ta đã có Thông tư hướng dẫn và chỉ tiêu để hàng có thể xuất khẩu. Nhưng bằng cách nào mà Cơ quan Hải quan xác nhận được điều đó? Tất nhiên là không thể chỉ dựa vào thông tin doanh nghiệp khai báo trên tờ khai.

VILAS

Cũng theo văn bản số 2132/TCHQ-GSQL “trường hợp qua kiểm tra thực tế không đủ cơ sở để xác định hàng hóa phù hợp với khai báo hải quan, danh mục, quy cách, chỉ tiêu kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng theo quy định thì công chức hải quan tiến hành lấy mẫu trưng cầu giám định tại phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn VILAS”. Thực tế thì quá trình tiến hành kiểm hóa rất khó có thể xác định được tiêu chuẩn của mặt hàng này nên theo tôi bạn nên làm cái đó từ trước, để tránh mở tờ khai rồi mới phát sinh, ảnh hưởng tới thời gian lên tàu của lô hàng, gây tốn kém chi phí.

Lưu ý thứ 3: Có Phiếu phân tích mẫu để xác nhận sự phù hợp về tiêu chuẩn, chất lượng do một phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn VILAS cấp.

Các bước làm thủ tục xuất khẩu đá Granite, đá xây dựng...

Đóng cont hàng đá xkHàng đá ốp lát đóng container để xuất khẩu

Để làm thủ tục xuất khẩu đá Granite, đá xây dựng dạng tấm, dạng khối… các bạn lưu ý những bước công việc chính sau đây:

  1. B1: Xác định mỏ đá có giấy phép khai thác, giấy phép chế biến hay chưa (chứng minh nguồn gốc khoáng sản)
  2. B2: Xác định loại đá xuất đi phải đạt tiêu chuẩn theo Thông tư 04/2021
  3. B3: Thực hiện giám định chất lượng với 1 đơn vị đạt chuẩn VILAS (xem danh sách các đơn vị tại đây)
  4. B4: Làm thủ tục khai báo hải quan và nộp thuế xuất khẩu, theo hướng dẫn trong Thông tư số 39/2018/TT-BTC sửa đổi bổ sung thông tư 38/2015/TT-BTC hướng dẫn thủ tục hải quan
  5. B5: Xin giấy chứng nhận xuất xứ C/O, nếu cần (theo thỏa thuận với người mua nước ngoài)

Để được thông quan, một lô hàng đá xuất khẩu sẽ cần các loại giấy tờ liên quan đến nhiều bộ ngành như Bộ Tài nguyên môi trường; Bộ Xây dựng; Bộ Công thương; Cơ quan Hải quan; Trung tâm kiểm nghiệm đạt chuẩn VILAS... Tất nhiên, bên cạnh đó vẫn cần những chứng từ hàng hóa xuất khẩu thông thường: hợp đồng ngoại thường, hóa đơn thương mại, phiếu đóng gói, vận đơn (hoặc Booking Note)...

Tựu chung lại...

Xuất khẩu đá nói riêng cũng như xuất khẩu khoáng sản nói chung là một mảng thương mại có tính đặc thù. Tuy không khó, nhưng cũng không dễ, quan trọng là bạn cần có đầy đủ các loại hồ sơ, giấy tờ. Dưới góc nhìn vĩ mô, xuất khẩu khoáng sản là một lợi thế để đem về nguồn ngoại tệ đáng kể nhưng cũng cần tính toán kỹ lưỡng để làm sao có thể đảm bảo dự trữ và sử dụng trong nước lâu dài.

Trên đây là nội dung hướng dẫn về thủ tục xuất khẩu đá Granite, đá tấm, đá khối, đá xây dựng… cũng như các vấn đề liên quan. Hy vọng bài viết hôm nay cung cấp đến quý khách hàng nhiều thông tin nhất có thể. 

Nếu bạn cần tìm đơn vị dịch vụ làm thủ tục xuất khẩu đá xây dựng, vui lòng liên hệ với chúng tôi trong link dưới đây để được tư vấn luôn.

Thủ tục hải quan & vận chuyển

Dịch vụ của Vinalogs giúp bạn xuất nhập khẩu hàng hóa nhanh chóng, tiết kiệm!

Làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu