Thỉnh thoảng tôi được nhiều bạn gọi điện hoặc email hỏi các bước làm thủ tục hải quan, và thủ tục xuất nhập khẩu phải thực hiện thế nào, bắt đầu từ đâu. Có bạn băn khoăn lo lắng vì công ty đang chuẩn bị xuất khẩu hay nhập khẩu lô hàng đầu tiên, mà chưa biết phải làm gì trước, làm gì sau.
Khi được hỏi như vậy, nếu không quá bận rộn, thì tôi cũng cố gắng hướng dẫn tóm tắt những bước công việc chính mà chủ hàng cần làm.
Mỗi lần hướng dẫn như vậy thì sơ sơ cũng phải 5-10 phút. Ít thời gian hơn thì không đủ nói và trả lời hết ý cơ bản. Lâu hơn thì tôi không có thời gian, vì còn phải làm công việc của mình. Thực tế thì việc làm thủ tục thông quan là chủ đề khá rộng, cần bỏ thời gian, công sức, và có thể cả chi phí để học và thực hành mới có thể hiểu và làm thông thạo.
Nhưng rõ ràng không phải lúc nào cũng có điều kiện tối ưu để theo trình tự:
Học => luyện tập => bắt tay vào làm
Tình huống thực tế cần bạn phải bắt đầu luôn, kiểu như:
Vừa làm - vừa học - vừa luyện - vừa rút kinh nghiệm
… với hy vọng không mắc sai sót nào nghiêm trọng.
Nhu cầu học hỏi trong những trường hợp đó là chính đáng, vì thực tế công việc là như vậy. Chúng ta cần thu lượm nhanh để bắt tay vào làm luôn.
Và tôi viết bài này để phần nào trợ giúp bạn thực hiện nhiệm vụ đó. Đồng thời, cũng là để khi ai đó gọi điện nhờ tôi hướng dẫn từ đầu, thì vui lòng đọc bài này trước. Như vậy sẽ tiết kiệm thời gian cho cả 2 bên, mà tôi vẫn giữ được tiếng về sự nhiệt tình của mình (hy vọng như vậy).
Ghi chú: Bài viết này ở mức cơ bản, dành cho người mới. Nếu bạn đã có kinh nghiệm rồi, thì không phù hợp lắm. Khi đó bạn có thể tham khảo thêm những bài viết khác trong loạt bài về Thủ tục hải quan.
Trước hết, tôi bắt đầu với một số tình huống mà bạn rất có thể đang gặp phải:
Nếu nằm trong số những trường hợp tôi liệt kê phía trên thì bạn đúng là người mới vào nghề, và cần được hướng dẫn chi tiết.
Cũng vì nhu cầu tìm hiểu trong mỗi trường hợp sẽ khác nhau, nên bạn cần chọn đọc bài nào dưới đây phù hợp với nhu cầu của mình nhất. Tôi viết mỗi bài cho 1 đối tượng khác nhau:
Tất nhiên, nếu có thời gian, bạn có thể xem tất cả các trường hợp để hiểu toàn diện hơn. Nhưng có lẽ ban đầu chỉ cần hiểu lĩnh vực mình đang cần là đủ. Khi nào có nhiều thời gian sẽ tham khảo thêm sau.
Tôi xin nhắc lại chủ đề để tránh nhầm lẫn:
Bạn muốn tìm hiểu để có thể tự làm thủ tục hải quan
cho hàng xuất nhập khẩu của công ty mình.
Tôi sẽ cố gắng giới thiệu chi tiết những bước công việc cần thực hiện. Tất nhiên, trong khuôn khổ 1 bài viết thì tôi không thể nói hết tất cả các trường hợp, mà chỉ nêu những gì phổ biến, điển hình mà thôi.
Bài hơi dài chút xíu, bạn chịu khó đọc nhé.
Trước hết, các bước công việc có phần khác nhau ít nhiều giữa hàng xuất và hàng nhập, hàng Sea và hàng Air. Tôi sẽ hướng dẫn thủ tục cho lô hàng nhập đường biển cho loại hình kinh doanh. Trường hợp này thường nhiều bước hơn, có phần phức tạp hơn, và cũng nhiều bạn thắc mắc với tôi hơn.
Bạn có thể xem lần lượt theo trình tự bài viết, hoặc bấm vào link để chuyển ngay đến bước mình muốn đọc:
Bước 1: Chuẩn bị bộ chứng từ hàng hóa
Bước 2: Chuẩn bị chữ ký số, đăng ký với Tổng cục hải quan
Bước 3: Cài đặt Phần mềm khai báo hải quan VNACCS
Bước 4: Đăng ký kiểm tra chuyên ngành (nếu có)
Bước 5: Khai và truyền tờ khai hai quan
Để có cái nhìn bao quát, bạn có thể muốn tìm hiểu trước về Thủ tục nhập khẩu hàng hóa nói chung, trong đó tôi có nêu những bước chính mà nhà nhập khẩu thường quan tâm như:
Trong những mục nội dung chính trên, ở bài viết này, tôi sẽ đi chi tiết vào mục 5: làm thủ tục hải quan (dành cho người mới làm lần đầu).
Các bước công việc liệt kê trong phần tiếp theo dưới đây mang tính chất tương đối, thường được áp dụng hiện nay, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Bước 1, 2, 3 có thể thực hiện đồng thời hoặc đổi thứ tự linh hoạt cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Như tôi đã nêu trong bài viết Thủ tục nhập khẩu hàng hóa, bạn cần chuẩn bị bộ chứng từ. Bắt đầu từ Hợp đồng ngoại thương, trong đó quy định những chứng từ liên quan như: Hóa đơn thương mại, Chi tiết đóng gói, Vận đơn đường biển, Chứng nhận xuất xứ, Chứng nhận chất lượng…
Khi có file mềm là lúc bạn có thể kiểm tra tính hợp lý hợp lệ của chứng từ. Nếu thấy chỗ nào chưa hợp lý thì cần làm việc với người bán nước ngoài để giải thích rõ, hoặc nếu cần, thì bổ sung chỉnh sửa ngay.
Ở bước này, bạn có thể tương đối dễ dàng điều chỉnh những chi tiết, nội dung chưa phù hợp. Nếu để đến khi người bán đã gửi chuyển phát nhanh giấy tờ gốc đi rồi, thì việc thay đổi sẽ khó hơn, mất nhiều thời gian chờ đợi, và thường sẽ phát sinh chi phí.
Vì thế, bạn nên cẩn thận trong việc kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ, và đầy đủ của chứng từ.
Kinh nghiệm làm thủ tục của tôi cho thấy, cẩn trọng ở bước này sẽ giúp bạn làm thủ tục nhập khẩu thuận tiện hơn rất nhiều.
Nhưng kiểm tra thế nào đây?
Với người mới làm thì cũng hơi khó, vì cái gì cũng mới mẻ. Bạn đành phải chịu khó tìm hiểu nghiên cứu trước thôi. Có 2 việc tôi nghĩ bạn cần chuẩn bị khi làm thủ tục lần đầu:
Vận chuyển & thủ tục hải quan Dịch vụ của Vinalogs giúp bạn xuất nhập khẩu hàng hóa thuận lợi! |
Thứ nhất: tìm hiểu về các chứng từ liên quan, nghĩa là bạn phải hiểu giấy tờ đó là cái gì, dùng để làm gì, và trên đó có những nội dung gì quan trọng.
Dưới đây là những bài tôi đã viết về một số chứng từ xuất nhập khẩu quan trọng mà bạn cần xem trước:
Ngoài ra còn những chứng từ khác có thể lô hàng của bạn cần đến như: CQ, CA, Fumigation Certificate… Gặp loại nào thì phải nghiên cứu loại ấy, nếu không muốn mắc sai sót.
Thứ hai: sau khi đã kiểm tra thông tin và số liệu trên từng chứng từ, bạn cần đối chiếu chéo số liệu giữa các chứng từ để đảm bảo tính thống nhất và chính xác. Đặc biệt lưu ý đến Invoice và CO (nếu có CO ưu đãi thuế đặc biệt, như các mẫu D, E, KV, JV…)
Một số những chi tiết cần đối chiếu như:
Sau khi kiểm tra và phối hợp với người bán để bổ sung chỉnh sửa (nếu cần), bạn đã có bộ hồ sơ tốt. Về cơ bản là đã yên tâm làm thủ tục tiếp theo.
Theo như tôi biết thì hiện nay hầu hết các doanh nghiệp đều dùng chữ ký số để khai thuế. Công ty bạn có thể dùng luôn chữ ký số đã có, không cần phải mua thêm.
Với doanh nghiệp mới thành lập, thì cần mua chữ số mới. Bạn nên chọn mua của những thương hiệu lớn như Vietel, VNPT, FPT… Cứ alo cho nhân viên hoặc đại lý của họ, bạn sẽ được tư vấn tận tình.
Sau khi mua xong, bạn cần đăng ký chữ ký số đó với Tổng cục hải quan thì mới có thể truyền tờ khai hải quan điện tử.
Về lý thuyết, mọi người hoàn toàn có thể xem hướng dẫn và tự đăng ký.
Nhưng nói thực là việc đọc & làm theo hướng dẫn khá mất thời gian. Nhiều bước hơi phức tạp, và dễ sai sót. Vì thế, lời khuyên của tôi là: nhờ bên cung cấp chữ ký số đăng ký giúp. Kể cả bạn đã mua từ trước, thì vẫn có thể liên hệ với họ nhờ làm giúp, và thường là miễn phí. Họ làm thường xuyên nên chỉ làm trong 5-10 phút là xong. Còn nếu bạn tự thực hiện thì yên tâm là phải mất vài tiếng đồng hồ là ít, chưa kể làm xong rồi nhưng vẫn có thể sai sót, không truyền được tờ khai.
Trường hợp công ty bạn thuê dịch vụ khai báo hải quan, thì bạn cũng có thể nhờ họ làm, có phí hoặc miễn phí tùy từng bên. Như công ty tôi làm dịch vụ thì thường đăng ký free cho khách hàng.
Nếu so sánh giữa phương án tự chủ hàng làm, nhờ dịch vụ hải quan, và nhờ đơn vị cung cấp chữ ký số, thì tôi thấy bên công ty bán chữ ký số thao tác nhanh hơn cả. Đơn giản là vì họ làm thường xuyên.
Nếu quyết định tự thực hiện, thì bạn lưu ý: cần đăng ký chữ ký số 2 lần (cùng của Tổng cục hải quan):
Các bước tự đăng ký, bạn có thể xem trong Hướng dẫn trên website của Tổng cục hải quan.
Khi có chữ ký số đăng ký xong, bạn cần cài đặt phần mềm để khai và truyền tờ khai hải quan như tôi trình bày ở các bước kế tiếp.
Để khai báo hải quan điện tử, bạn có thể chọn một trong các phương án:
Trên lý thuyết là có 3 phương án như trên, nhưng thực tế thì gần như chỉ có phương án thứ 3 khả thi. Lý do thế này:
Phần mềm miễn phí do Tổng cục hải quan cung cấp thì rất ít đơn vị dùng. Tôi chưa kiểm chứng nhưng đoán rằng có lẽ bởi vì khó sử dụng, không thân thiện. Phương án tự phát triển cũng ít khả thi, nhất là đối với đại đa số các công ty xuất nhập khẩu.
Vậy chỉ còn phương án 3: dùng phần mềm của các công ty công nghệ được công nhận. Theo như 1 bài báo trên trang baohaiquan.vn, các công ty đủ điều kiện như:
Danh sách là vậy, nhưng phần mềm do bên nào viết dùng phù hợp nhất mới là vấn đề người dùng quan tâm.
Hiện rất nhiều công ty xuất nhập khẩu dùng phần mềm ECUS của Thái Sơn. Bản thân công ty tôi, và bạn bè làm dịch vụ hải quan, hầu hết cũng đều đang dùng của công ty công nghệ này. Lý do là vì bên tôi dùng từ ngày đầu khai hải quan điện tử, lâu thành quen, chất lượng cũng khá ổn, và dịch vụ hỗ trợ tốt. Tôi giới thiệu khách quan, chứ không quảng cáo, vì chẳng được lợi lộc gì trong việc này.
Bạn có thể tìm hiểu và tải phần mềm ECUS-EK từ website của Thái Sơn. Trên trang đó cũng có hướng dẫn cách cài đặt và sử dụng luôn. Phần mềm hiện miễn phí cho khách hàng có thể truyền 20 tờ khai đầu tiên, sau đó có thu phí theo hợp đồng. Để biết chi tiết hơn, bạn nên hỏi trực tiếp nhà cung cấp trước khi quyết định có chọn sử dụng phần mềm của họ hay không.
Rồi, giờ coi như đã xong khâu chọn và cài đặt phần mềm. Bước tiếp phải làm mới liên quan trực tiếp đến thủ tục xuất nhập khẩu
Kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu là việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành lấy mẫu kiểm tra để đảm bảo hàng hóa đủ tiêu chuẩn xuất, hoặc nhập khẩu.
Một số loại kiểm tra chuyên ngành thường gặp với hàng nhập khẩu: kiểm tra về chất lượng, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm…
Với hàng xuất khẩu, cần căn cứ vào nội dung hợp đồng ngoại thương để làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành cho phù hợp. Chẳng hạn: kiểm dịch thực vật, hun trùng… Thường thì đó là tùy chọn theo thỏa thuận giữa người mua và người bán, chứ không phải là điều kiện bắt buộc khi làm thủ tục hải quan.
Với hàng nhập khẩu thì có khác. Với mỗi mặt hàng cụ thể, chủ hàng căn cứ vào quy định hiện hành để biết có phải kiểm tra chuyên ngành hay không. Bạn nên tìm hiểu trước vấn đề này, để tránh rủi ro phát sinh thời gian, chi phí.
Nếu hàng của bạn không cần kiểm tra chuyên ngành bỏ qua bước này (may quá!).
Trường hợp hàng phải kiểm tra chuyên ngành, bạn cần làm hồ sơ đăng ký với cơ quan kiểm tra theo quy định, chẳng hạn:
Hồ sơ đăng ký với mỗi cơ quan yêu cầu mỗi khác, nên tôi không thể nêu chi tiết tại đây. Bạn chịu khó tìm hiểu quy định và hướng dẫn liên quan để thực hiện nhé. Có thể tham khảo thêm Danh sách các văn bản pháp luật về thủ tục hải quan để tìm văn bản liên quan đến mặt hàng mà bạn định nhập khẩu.
Thời điểm làm hồ sơ đăng ký là sau khi nhận được Giấy báo hàng đến (Arrival Notice) của hãng vận chuyển, thường là trước khi tàu đến 1-2 ngày.
Sau khi nhận bộ hồ sơ và xem xét thấy đầy đủ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành sẽ cấp số và ngày đăng ký. Thông thường, họ ghi & đóng dấu vào ô xác nhận trên giấy đăng ký mà bạn đã nộp. Với chứng từ này trong tay, bạn có thể chuyển sang bước tiếp theo.
Sau khi nhận được Giấy báo hàng đến của hãng vận chuyển, bạn có thể lên tờ khai.
Sử dụng phần mềm khai hải quan mà bạn đã cài đặt, nhập các thông tin và số liệu của lô hàng vào tờ khai. Bạn có thể tham khảo hướng dẫn lên tờ khai của Công ty phần mềm Thái Sơn, để biết cách thực hiện.
Thực sự mà nói, với lần đầu tiên thì rất khó để cho bạn có thể tự lên tờ khai bằng phần mềm, vì trên đó có quá nhiều thông tin phải nhập. Ấy là chưa nói đến rất nhiều các mã số mà bạn sẽ không hiểu phải lựa chọn thế nào, hay phải tìm từ đâu, chẳng hạn như mã cảng, mã hải quan, mã loại hình...
Tôi nói như vậy không có ý làm bạn nản lòng. Nhưng cần phải chuẩn bị thật kỹ, và nếu có thể thì tham khảo thêm từ người có kinh nghiệm. Hãy tìm đến bạn bè, người thân đã từng làm tờ khai, nhờ họ giúp đỡ. Hoặc bạn có thể gọi điện thoại lên tổng đài công ty Thái Sơn nhờ họ trợ giúp.
Một khi đã lên đủ những phần cần thiết của tờ khai, và kiểm tra lại cho chắc chắn, bạn có thể truyền thử tờ khai. Khi thông tin đầy đủ và hợp lệ, tờ khai sẽ được cấp số.
Sau khi truyền thử, bạn cần kiểm tra lại 1 lần nữa những thông tin quan trọng như: Mã loại hình, mã chi cục hải quan, mã địa điểm lưu kho chờ thông quan… Lưu ý: nếu sai những thông tin này, nhiều khả năng bạn phải hủy tờ khai, chứ không được truyền sửa như những thông tin khác.
>> Download các bảng mã: chi cục hải quan, địa điểm lưu kho, mã cảng...
Ngoài ra bạn cũng nên check lại số thuế phải nộp, nếu cần thì tính toán lại bằng máy tính bỏ túi, hoặc file Excel. Bên tôi dùng file Excel lập sẵn công thức để kiểm tra lại số thuế phải nộp cho nhanh. Cách đó sẽ giúp người làm yên tâm hơn.
Sau khi truyền chính thức, tờ khai sẽ được hệ thống tự động phân luồng:
Giờ bạn in tờ khai ra chuyển sang bước tiếp theo.
Lệnh giao hàng là chứng từ mà công ty vận chuyển (hãng tàu, forwarder) phát hành ra để chỉ thị cho đơn vị lưu giữ hàng (cảng, kho) giao hàng cho chủ hàng. Lệnh giao hàng tiếng Anh là Delivery Order, thường được viết tắt là D/O.
Lệnh giao hàng là chứng từ quan trọng để làm thủ tục tại cảng khi kiểm hóa, lấy mẫu kiểm tra chuyên ngành, và khi lấy hàng.
Nếu để ý trên Thông báo hàng đến, bạn sẽ thấy những thông tin cần thiết như:
Bạn đến hãng vận chuyển theo địa chỉ trên giấy báo, cầm theo chứng từ và tiền phí. Mỗi hãng yêu cầu mỗi khác, nhưng về cơ bản, bạn cứ cầm theo những chứng từ sau:
Với hàng nguyên container (Full Container Loaded - FCL), nếu hàng đã về cảng quá thời gian miễn phí lưu container tại cảng (Free Demurrage), thì bạn cần nộp thêm phí để gia hạn đến ngày dự kiến lấy hàng. Mức phí dao động khác nhau theo loại container, theo các hãng, nhưng ước chừng mức ban đầu khoảng: 200-300k/20’DC; 400-500k/40’DC. Hàng để ở cảng càng lâu, mức phí có thể sẽ tăng lên mức cao hơn.
Thủ tục lấy lệnh không khó, nhưng cũng hơi lằng nhằng, lại thêm mỗi hãng mỗi khác. Nếu bạn chưa quen, thì cứ đến đó, vướng đâu hỏi đấy thôi.
Ghi chú thêm: Bạn cần phân biệt giữa Lệnh của forwarder và Lệnh của hãng tàu, tương ứng với House Bill of Lading (HBL) và Master Bill of lading (MBL).
>> Phân biệt House Bill và Master Bill
Nếu công ty bạn là người nhận hàng (consignee) trên Master B/L của hãng tàu, thì chỉ cần đến hãng tàu (shipping lines) lấy lệnh.
Nếu bạn dùng House B/L thì sẽ lấy lệnh tại công ty giao nhận (freight forwarder) lấy lệnh của họ. Sau đó họ có thể ủy quyền để bạn sang hãng tàu lấy tiếp lệnh hãng tàu và cược vỏ container. Cũng nhiều khi, forwarder đã lấy lệnh hãng tàu rồi, thì bạn chỉ cần đến hãng tàu cược vỏ là xong.
Đến đây là bạn đã xong bước lấy Lệnh giao hàng.
Tùy theo luồng tờ khai mà chứng từ cần chuẩn bị khác nhau.
... thì hồ sơ chỉ cần tờ khai in từ trên phần mềm và tờ mã vạch in từ website của Tổng cục hải quan, đem đến bộ phận hải quan giám sát làm nốt thủ tục.
Hồ sơ hải quan cho hàng nhập khẩu gồm:
Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị sẵn bản photo những giấy tờ khác để tham khảo hoặc xuất trình, khi cần: Hợp đồng ngoại thương (Sales Contract), Phiếu đóng gói (Packing List), và những chứng từ liên quan như catalog, hình ảnh, tài liệu kỹ thuật… của lô hàng. Nguyên tắc là: chứng từ càng đầy đủ, hợp lệ, thì càng thuận lợi cho việc làm thủ tục.
... chuẩn bị chứng từ cho 2 khâu nghiệp vụ:
Sau khi chuẩn bị đầy đủ bộ chứng từ, bạn đem xuống chi cục hải quan để làm thủ tục nhé.
Ở bước này, cũng lại theo tờ khai luồng gì mà làm công việc tương ứng:
Bạn chỉ cần nộp thuế nhập khẩu & VAT, in tờ khai đem đến hải quan giám sát làm nốt thủ tục là xong.
Tuy vậy, theo kinh nghiệm của tôi, vẫn có trường hợp hải quan thấy nghi vấn, và hỏi thêm chi tiết về lô hàng. Vì thế để cho chắc chắn, bạn cứ đem theo bản photo của những chứng từ khác như Invoice, Packing List, B/L..., phòng khi hải quan hỏi thì có sẵn chứng từ giải thích luôn.
Cán bộ hải quan sẽ kiểm tra bộ hồ sơ giấy. Có một số tình huống hay xảy ra:
Vào luồng này là không may rồi, chủ hàng sẽ mất công sức và tốn chí phí hơn. Đành làm cho biết vậy!
Trước hết, hải quan sẽ check hồ sơ giấy, giống như với luồng Vàng nêu trên. Nếu cần hỏi, chỉnh sửa tờ khai thì bạn cũng phải làm cho xong.
Sau đó, khi hồ sơ và tờ khai đã hợp lệ, hải quan tiếp nhận sẽ chuyển sang bộ phận kiểm tra thực tế hàng hóa (thường gọi tắt là “kiểm hóa”).
Trong quá trình kiểm tra tại hiện trường, trực tiếp hoặc qua máy soi, nếu hải quan phát hiện thấy sai sót trong khai báo, chẳng hạn: thừa thiếu hoặc không đúng loại hàng... thì tùy theo mức độ mà bị xử lý. Nếu không có vấn đề gì thì quay lại chi cục giải quyết thông quan cho lô hàng.
Vậy thôi!
Sau khi đã có tờ khai thông quan, việc bạn cần làm cuối cùng là in mã vạch tờ khai từ website của tổng cục hải quan, xuống hải quan giám sát tại cảng/kho để làm nốt thủ tục. Hải quan dùng thiết bị đọc mã vạch, bấm kêu chít một cái, ký giấy là xong.
Vậy là hoàn tất thủ tục hải quan. Bạn đem theo lệnh vào cảng/kho làm thủ tục đổi lệnh của cảng/kho để giao cho xe kéo hàng. Lưu ý hạn lệnh của hãng tàu (với hàng nguyên container), nếu thấy lệnh hết hạn thì phải đến hãng tàu gia hạn trước khi đổi lệnh ở cảng.
Trên đây, tôi đã hướng dẫn khá chi tiết các bước để bạn có thể tự làm thủ tục hải quan cho 1 lô hàng nhập khẩu bằng đường biển. Hy vọng bạn có thể hình dung và tự thực hiện được các bước nghiệp vụ thông quan cho lô hàng của mình.
Chắc chắn lần đầu làm thủ tục sẽ thấy khó khăn, vướng mắc, nhưng bạn đừng ngại, đến đâu hỏi đến đấy. Từ lô hàng thứ 2, bạn sẽ thấy tự tin hơn.
Còn nếu đọc đến đây, mà bạn thấy hoang mang quá, cảm thấy không chắc có nên tự làm không. Vậy thì nên xem xét phương án thuê dịch vụ khai báo hải quan, ít nhất là cho 1 vài lô hàng đầu tiên. Công ty tôi có dịch vụ hỗ trợ tối đa cho người mới làm xuất nhập khẩu, nhất là làm thủ tục hải quan tại cảng Hải Phòng. Và chắc chắn bạn sẽ học hỏi được nhiều trong quá trình hợp tác.
Hãy gửi yêu cầu báo giá dịch vụ theo form dưới đây, tôi sẽ phản hồi sớm nhất. Đừng ngại, nếu bạn chưa quen tôi sẽ hướng dẫn bạn chi tiết trong quá trình hợp tác.
Dịch vụ của Vinalogs giúp bạn xuất nhập khẩu hàng hóa nhanh chóng, tiết kiệm! |
Đến đây, tôi xin kết thúc bài viết. Cám ơn bạn đã kiên nhẫn ngồi đọc, mặc dù khá dài.
Nếu bạn tìm thấy thông tin hữu ích trong bài viết này thì nhấp Like & Share để bạn bè cùng đọc nhé. Cám ơn bạn!
New! Comments
Have your say about what you just read! Leave me a comment in the box below.