Thủ tục Hải quan điện tử

Hải quan điện tử là gì?

Là hình thức khai hải quan bằng phần mềm cài trên máy tính, sau đó truyền dữ liệu tờ khai hải quan qua mạng internet tới cơ quan hải quan để tiến hành thông quan hàng hóa.

Cụm từ này được sử dụng để phân biệt với hình thức khai báo hải quan bằng giấy như trước đây. Khi đó, người khai hải quan điền tay vào mẫu tờ khai in sẵn, rồi đem bộ tờ khai cùng chứng từ liên quan (tờ khai trị giá, invoice, packing list, hợp đồng thương mại, chứng nhận xuất xứ, vận tải đơn, giấy phép…) lên cơ quan hải quan để làm thủ tục thông quan.

Về mặt khái niệm, có lẽ cũng nên phân biệt một chút giữa hình thức mới này với “khai hải quan từ xa”:

  • Khai hải quan từ xa (hiện đang được bỏ dần) là hình thức khai cho thủ tục hải quan bằng giấy. Sau khi khai báo và truyền dữ liệu qua máy tính tới cơ quan hải quan, hệ thống sẽ cấp số tiếp nhận, và người khai phải mang tờ khai giấy đến chi cục hải quan để làm thủ tục.
  • Khai điện tử (chính thức áp dụng toàn quốc từ 2013) là hình thức khai cho thủ tục hải quan điện tử, nghĩa là thực hiện “trọn gói” từ đăng ký tiếp nhận cho đến thông quan hàng hóa. Trường hợp tờ khai được phân vào luồng xanh thì có thể trực tiếp ra cảng lấy hàng. Trường hợp phân vào luồng vàng hoặc đỏ thì người khai phải đến chi cục hải quan xuất trình hồ sơ.

(Xem thêm phân biệt “khai hải quan điện tử” với “khai hải quan từ xa”)

Lộ trình triển khai

Có thể nói thông quan điện tử ở Việt Nam khởi đầu từ sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 149/2005/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2005 về việc thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử.

Sau đó, ngày 19 tháng 7 năm 2005 Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 50/2005/QĐ-BTC quy định về quy trình thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Việc thí điểm chia thành 2 giai đoạn.

  • Giai đoạn 1 từ tháng 10/2005-11/2009 tại Chi cục Hải quan điện tử - Cục Hải quan thành phố Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Giai đoạn 2 (đánh dấu bằng Thông tư số 222/2009/TT-BTC) từ 2009 đến hết năm 2012, triển khai tại 13 Cục hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, mở rộng ứng dụng tới các DN cùng với mở rộng các loại hình hàng hóa.

Từ ngày 2/1/2013, sau thời gian triển khai thí điểm, Tổng cục hải quan đã công bố chính thức triển khai thủ tục hải quan điện tử trong phạm vi toàn quốc. Lễ công bố diễn ra tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 3 và Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư gia công.

Lợi ích và … hạn chế

Lợi ích của thông quan điện tử được kỳ vọng là rất nhiều. Có thể kể liệt kê ra đây một số lợi điểm chính (so với hình thức khai hải quan bằng giấy):

  • Nhanh hơn, đặc biệt là khâu truyền số liệu, tiếp nhận, và phân luồng tờ khai. Từ đầu năm 2013, với việc áp dụng phiên bản ECUS mới, những công việc này hoàn toàn tự động. Tờ khai được phần luồng chỉ sau 1 vài phút.
  • Tiện lợi hơn khi việc khai báo hải quan có thể thực hiện tại bất kỳ địa điểm nào có máy tính kết nối internet, và trong 24/7 thay vì chỉ vào giờ hành chính như trước đây. Tất nhiên, nếu lô hàng phải kiểm tra chứng từ giấy, hoặc kiểm tra thực tế, thì người khai vẫn phải làm việc với công chức hải quan vào giờ hành chính, nhưng thời gian cũng rút ngắn đi đáng kể.
  • Giảm đi lại tiếp xúc giữa doanh nghiệp và hải quan. Điều này có lợi cho cả doanh nghiệp, khi việc đi lại tiêu tốn thời gian và chi phí. Cũng có lợi cho hải quan, vì họ giảm bớt áp lực giải quyết công việc trực tiếp với quá nhiều nhân viên thủ tục của các doanh nghiệp.

Nhưng có lẽ cũng nên nêu ra một số hạn chế:

  • phần cứng;
  • lỗi phần mềm…

và cả một vài bất lợi, do việc ứng dụng bị lợi dụng hoặc chưa triệt để:

  • Bất lợi cho Nhà nước, vì theo nhiều báo đài, nhiều DN lợi dụng hải quan điện tử để̉ trốn thuế́.
  • Bất lợi cho DN: nếu khai sai, khó phát hiện cho đến phút cuối. Trước đây, khi thực hiện tờ khai giấy, và khai từ xa, công chức hải quan trực tiếp tiếp nhận tờ khai và phân luồng. Nếu phát hiện thấy những lỗi nhỏ, có thể sửa chữa ngay, thì họ linh động hỗ trợ bằng cách phản hồi luôn để doanh nghiệp điều chỉnh. Nay hệ thống phân luồng tự động, người khai chỉ phát hiện ra lỗi đó khi đem bộ chứng từ xuống hải quan. Và đôi khi điều đó là quá muộn, nếu hàng xuất tàu, hoặc khai thuê hải quan phải chờ giấy tờ ký từ chủ hàng gửi từ xa tới.

Phần mềm Thông quan điện tử

Hiện mới có hai đơn vị chính thức cung cấp phần mềm khai báo hải quan điện tử: phần mềm Thái Sơn (tên là ECUS) và FPT (tên là FPT.TQDT, nâng cấp từ AiKTX hay FPT.KTX). Bạn có thể xem bài viết So sánh hai phần mềm này.

Ngoài ra, theo dự kiến, năm 2014 ngành Hải quan sẽ đưa vào áp dụng Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) do Nhật Bản tài trợ. Vấn đề này đang được cộng đồng DN và xã hội chờ đợi vì hứa hẹn sẽ đem lại nhiều thuận tiện và dễ dàng hơn so với trước bởi tính hiện đại của hệ thống. Báo Diễn đàn doanh nghiệp còn coi VNACCS/VCIS là “đũa thần” cho thông quan điện tử.

Bạn có thể cập nhật thông tin về dự án này bằng cách truy cập vào website chính thức www.vnaccs.com.

Một câu hỏi đặt ra là nếu hệ thống VNACCS thành công, thì vai trò của Thái Sơn & FPT sẽ nằm ở đâu, khi họ đã bỏ chi phí và thời gian phát triển từ đầu phần mềm của riêng mình?

Đăng ký tham gia Hải quan điện tử

Doanh nghiệp cần đăng ký tham gia thủ tục hải quan điện tử để có ứng dụng hình thức này.

Thủ tục cũng khá đơn giản. Doanh nghiệp điền vào mẫu đơn đăng ký của cơ quan hải quan, sau đó đem tới Chi cục hải quan thuận tiện nộp cùng bản sao Giấy đăng ký kinh doanh. Sau khoảng 8 tiếng trong giờ làm việc (có thể nhanh hơn) là có kết quả chấp nhận hoặc từ chối việc tham gia. Chi tiết về Thủ tục đăng ký hải quan điện tử

Quy trình thủ tục hải quan điện tử

Sau khi đăng ký và có account, bạn có thể tiến hành mở tờ khai hải quan trực tuyến. Về cơ bản, các bước tiến hành cũng gần như cách truyền thống, nhưng có thêm phần tờ khai điện tử.

Xem chi tiết về quy trình khai hải quan điện tử.


Chuyển từ Hải quan điện tử về Thủ tục hải quan


New! Comments

Have your say about what you just read! Leave me a comment in the box below.