Thủ tục nhập khẩu đồ dùng nhà bếp
cập nhật mới nhất 2018

Chắc hẳn bạn muốn biết thủ tục nhập khẩu đồ dùng nhà bếp gồm những gì và liên quan đến những cơ quan quản lý nào phải không nào? Vậy thì chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Đồ dùng nhà bếp tôi nhắc đến trong bài viết này là các vật dụng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm như dao, kéo, chảo, túi ni lon, hộp nhựa đựng thực phẩm… mà không bao gồm các sản phẩm gia dụng chạy điện bạn nhé. Nếu bạn muốn tham khảo thêm thủ tục nhập khẩu các sản phẩm đồ dùng gia dụng điện dùng trong nhà bếp như máy sinh tố, lò vi sóng, lò nướng… thì bạn có thể tham khảo bài viết này.

Do các sản phẩm như dao, kéo, chảo, hộp nhựa… tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2 do Bộ Y tế quản lý, do đó thủ tục nhập khẩu đồ dùng nhà bếp như đã nói sẽ gồm các bước chính như sau:

  • Kiểm nghiệm thực tế sản phẩm về mức độ an toàn thực phẩm (gọi tắt là ATTP); 
  • Công bố phù hợp quy định ATTP;
  • Kiểm tra chất lượng nhà nước về ATTP (gọi tắt là KTCL);
  • Nộp kết quả KTCL về Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi mở tờ khai để thông quan.

Công tác quản lý chuyên ngành đối nhóm mặt hàng này được quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định về thi hành Luật An toàn thực phẩm.

Thật ra, tôi thấy rằng vẫn còn sự tranh cãi về một số mặt hàng như dao, kéo hay chảo dùng trong nhà bếp có thuộc nhóm mặt hàng phải kiểm nghiệm ATTP hay không, do các mặt hàng này chỉ tiếp xúc với thực phẩm mà không phải là bao bì chứa đựng. Vì thế, để xác định chính xác thì bạn cần phải đối chiếu mã HS mặt hàng mình định nhập với Thông tư 05/2018/TT-BYT về ban hành danh mục thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhóm 2 thuộc quản lý của Bộ Y tế.

Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm:

Trước khi thực hiện công bố phù hợp quy định ATTP, bạn cần phải có kết quả kiểm nghiệm của đơn vị được công nhận hoặc được chỉ định như Viện Dinh dưỡng, Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia, Quatest…

Việc lấy mẫu kiểm nghiệm thường được tiến hành khi bạn nhập chính thức lô hàng, trong quá trình làm thủ tục Hải quan nhập khẩu thì bạn làm đơn xin mang hàng về bảo quản để lấy mẫu. Sau khi tiến hành xong, đơn vị kiểm nghiệm sẽ trả về “Phiếu kết quả kiểm nghiệm” về ATTP như dưới đây.

Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm:

Sau khi có kết quả kiểm nghiệm ATTP thì bạn tiến hành tự công bố phù hợp với quy định ATTP nhé.

Hồ sơ tự công bố:

  1. Bản tự công bố sản phẩm theo Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
  2. Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm.

Trình tự tự công bố:

  1. Tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của mình hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và nộp 01 (một) bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) chỉ định;
  2. Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó;
  3. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận bản tự công bố của tổ chức, cá nhân để lưu trữ hồ sơ và đăng tải tên tổ chức, cá nhân và tên các sản phẩm tự công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan tiếp nhận.

Ngoài ra, trong trường hợp tổ chức, cá nhân có từ 2 cơ sở sản xuất trở lên cùng sản xuất một sản phẩm thì tổ chức, cá nhân chỉ nộp hồ sơ tại một cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có cơ sở sản xuất do tổ chức, cá nhân lựa chọn. Khi đã lựa chọn cơ quan quản lý nhà nước để nộp hồ sơ thì các lần tự công bố tiếp theo phải nộp hồ sơ tại cơ quan đã lựa chọn trước đó.

(Tham khảo điều 5, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP)

Kiểm tra chất lượng nhà nước về ATTP 

Trừ hàng hóa nhập khẩu nằm trong Điều 13 của Nghị định 15, các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2 về ATTP khi nhập khẩu về phải tiến hành thủ tục KTCL nhà nước .

Hồ sơ đăng ký KTCL đối với kiểm tra thông thường:

  1. Giấy đăng ký kiểm tra thực phẩm nhập khẩu theo quy định tại Mẫu số 04 Phụ lục I Nghị định 15/2018/NĐ-CP;
  2. Bản tự công bố sản phẩm;
  3. Bản sao Danh mục hàng hóa (Packing list).

Trình tự tiến hành KTCL thông thường:

  1. Làm công văn xin mang giải phóng hàng về bảo quản khi làm thủ tục thông quan;
  2. Tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm và tự công bố;
  3. Nộp hồ sơ đăng ký KTCL trên Cổng thông tin một cửa quốc gia gia phân hệ Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương (nếu đã áp dụng);
  4. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan kiểm tra nhà nước có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và ra thông báo thực phẩm đạt hoặc không đạt yêu cầu nhập khẩu;
  5. Nộp “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu” theo mẫu như dưới đây cho cơ quan hải quan để thông quan hàng hóa.
Kết quả kiểm tra chất lượng thực phẩm nk

Thủ tục Hải quan nhập khẩu đồ dùng nhà bếp

Về thủ tục thông quan tại Chi cục Hải quan, các bạn chuẩn bị hồ sơ và tiến hành như bình thường. Trong bộ hồ sơ ngoài các chứng từ thương mại thông thường (như vận đơn, invoice, C/O…) thì bạn bổ sung thêm bản tự công bố và phiếu thông báo kết quả KTCL nhà nước là được thông quan.

Trong bài viết trên đây tôi đã giới thiệu đầy dủ cho bạn thủ tục nhập khẩu đồ dùng nhà bếp rồi đấy. Nếu bạn cần một bên làm dịch vụ thủ tục chuyên nghiệp thì bạn có thể liên hệ với tôi bằng cách click vào “Yêu cầu báo giá” dưới đây nhé. 

Thủ tục hải quan & vận chuyển

Dịch vụ của Vinalogs giúp bạn xuất nhập khẩu hàng hóa nhanh chóng, tiết kiệm!

Làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu


Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết của tôi!

Người thực hiện: Nguyễn Ngọc Huy

Nếu bạn tìm thấy thông tin hữu ích trong bài viết này thì nhấp Like & Share để bạn bè cùng đọc nhé. Cám ơn bạn!

 



New! Comments

Have your say about what you just read! Leave me a comment in the box below.