Thủ tục nhập khẩu phân bón hữu cơ,  vô cơ - chi tiết từng bước

Để thực hiện toàn bộ thủ tục nhập khẩu phân bón mới vào Việt Nam, không biết bạn đã nắm được chưa nhưng như tôi đã từng làm thì quy trình là tương đối phức tạp, sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí.

Điều này xuất phát từ việc phân bón là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, được quản lý khá chặt chẽ bởi các bộ ngành có liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ…Vì vậy, rõ ràng ta cần tìm hiểu kỹ trước các văn bản pháp luật liên quan phải không nào?

Trước kia, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón chịu sự điều chỉnh của nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón và các thông tư 41/2014/TT-BNNPTNT, 04/2015/TT-BNNPTNT, 29/2014/TT-BCT.

Tuy nhiên, các văn bản trên đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Nghị định 84/2019/NĐ-CP (thay thế nghị định số 108/2017/NĐ-CP) đã góp phần làm đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu phân bón, khi mà cơ quan quản lý trực tiếp bây giờ là Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, thực tế quy trình nhập khẩu phân bón có đơn giản hay không thì chưa hẳn, bạn nên đọc hết bài này nhé. 

Vậy, nghị định số 84/2019/NĐ-CP quy định như thế nào về việc nhập khẩu phân bón? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé.

Để hoàn thành các bước nhằm nhập khẩu mặt hàng phân bón mới, bạn cần thực hiện 4 công việc chính như sau:

  1. Khảo nghiệm phân bón; 
  2. Công nhận lưu hành phân bón nhập khẩu lần đầu; 
  3. Kiểm tra chất lượng (KTCL) Nhà nước về phân bón nhập khẩu; 
  4. Công bố hợp quy.

Tôi sẽ trình bày chi tiết từng bước ngay trong phần tiếp sau đây…


Kiểm hóa phân bón nhập khẩuKiểm hóa phân bón nhập khẩu

Khảo nghiệm và công nhận phân bón lưu hành

Đối với phân bón lần đầu nhập khẩu phải tiến hành công nhận lưu hành phân bón với Cục Bảo vệ thực vật, thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trước khi nhập khẩu vào Việt Nam. Những phân bón sau khi được công nhận lưu hành hoặc đã được công nhận lưu hành tại Việt Nam từ trước, thì có thể nhập khẩu mà không cần xin thêm giấy phép nhập khẩu, trừ các loại phân bón quy định tại khoản 2, điều 27, nghị định số 108/2017/NĐ-CP.

Tuy nhiên, để được công nhận lưu hành phân bón, bạn cần phải khảo nghiệm phân bón trước đã nhé.

1. Thủ tục tiến hành khảo nghiệm phân bón nhập khẩu:

Các phân bón lần đầu công nhận lưu hành hoặc công nhận lưu hành lại tại Việt Nam phải tiến hành công đoạn khảo nghiệm này, trừ một số loại phân bón sau thì có thể làm công nhận lưu hành luôn mà không cần khảo nghiệm, như: 

  • Phân bón hữu cơ, phân bón hữu cơ truyền thống: như phân rác, phân xanh, phân chuồng…
  • Phân bón đơn: như phân đạm, phân lân, phân kali…
  • Phân bón phức hợp: như phân NPK…

(tham khảo khoản 2, điều 13, nghị định 108/2017/NĐ-CP). 

Hồ sơ đăng ký khảo nghiệm (bước đầu tiên của thủ tục nhập khẩu phân bón):

  1. Đơn đăng ký khảo nghiệm phân bón theo Mẫu số 04 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
  2. Tài liệu kỹ thuật đối với phân bón đăng ký khảo nghiệm theo Mẫu số 05 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;
  3. Đề cương khảo nghiệm phân bón theo Mẫu số 06 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

Các bước tiến hành khảo nghiệm phân bón:

- Bước 1: Xin giấy phép nhập khẩu phân bón về khảo nghiệm. Hồ sơ và trình tự xin giấy phép nhập khẩu thì bạn hãy tham khảo thêm điều 29, nghị định 108/2017/NĐ-CP nhé. Nếu bạn không muốn tự làm, thì có thể thuê đơn vị dịch vụ xin giấy phép nhập khẩu phần bón.

- Bước 2: Gửi đơn đăng ký khảo nghiệm, tài liệu kỹ thuật và đề cương khảo nghiệm phân bón đến Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ NNPTNT

- Bước 3: Cục Bảo vệ thực vật thành lập hội đồng xét duyệt đề cương khảo nghiệm và cho phép doanh nghiệp khảo nghiệm phân bón. 

- Bước 4: Tiến hành khảo nghiệm. Trong vòng 2 năm kể từ lúc khảo nghiệm, khi có kết quả khảo nghiệm phải gửi kết quả khảo nghiệm đến Cục Bảo vệ thực vật để thành lập hội đồng xét duyệt kết quả.

- Bước 5: Sau khi được hội đồng xét duyệt và cấp báo cáo kết quả khảo nghiệm phân bón, doanh nghiệp làm đơn dề nghị công nhận lưu hành với Cục Bảo vệ thực vật .

2. Công nhận lưu hành phân bón nhập khẩu lần đầu:

Hồ sơ công nhận lưu hành phân bón gồm có:

a) Đơn đề nghị công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam theo mẫu số 01 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 84/2019/NĐ-CP;

b) Bản thông tin chung về phân bón do nhà sản xuất cung cấp bao gồm: loại phân bón, chỉ tiêu chất lượng chính, hàm lượng yếu tố hạn chế, công dụng, hướng dẫn sử dụng, thông tin chung về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu phân bón;

c) Bản chính báo cáo kết quả khảo nghiệm phân bón theo mẫu số 02 hoặc kết quả của các công trình, đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh và có quyết định công nhận là tiến bộ kỹ thuật;

d) Mẫu nhãn phân bón theo đúng quy định tại Điều 33, Điều 34 Nghị định 84/2019/NĐ-CP.

Trình tự các bước công nhận lưu hành phân bón nhập khẩu:

- Bước 1: Nộp hồ sơ

Bạn chuẩn bị hồ sơ và nộp qua đường bưu điện hoặc qua cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia (VNSW) cho Cục Bảo vệ thực vật.

- Bước 2: Thẩm định hồ sơ

Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Bảo vệ thực vật tổ chức thẩm định để đánh giá hồ sơ công nhận

- Bước 3: Thông báo kết quả

Nếu hồ sơ đáp ứng các quy định về phân bón thì Cục Bảo vệ thực vật sẽ ban hành Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam theo Mẫu số 03 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 108/2017/NĐ-CP, cụ thể thì bạn xem ví dụ như dưới đây nhé.

Công nhận phân bón lưu hành

Đến đây là bạn đã hoàn thành một nửa thủ tục nhập khẩu phân bón rồi, chúng ta đến bước tiếp theo nhé.

Kiểm tra chất lượng phân bón nhập khẩu và công bố hợp quy

1. Kiểm tra chất lượng phân bón:

Để hoàn thành thủ tục nhập khẩu phân bón, ngoài công nhận lưu hành bạn cũng cần hoàn thành kiểm tra chất lượng phân bón nhập khẩu với Cục Bảo vệ thực vật, ngoại trừ phân bón quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, g  khoản 2, điều 27, nghị định 108/2017/NĐ-CP, gồm:

  1. Phân bón để khảo nghiệm (Đây là phân bón nhập mẫu để khảo nghiệm và công nhận lưu hành nhé bạn);
  2. Phân bón chuyên dùng cho sân thể thao, khu vui chơi giải trí;
  3. Phân bón chuyên dùng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để phục vụ cho sản xuất trong phạm vi của doanh nghiệp; sử dụng trong các dự án của nước ngoài tại Việt Nam;
  4. Phân bón làm quà tặng; làm hàng mẫu;
  5. Phân bón tham gia hội chợ, triển lãm;
  6. Phân bón nhập khẩu để sản xuất phân bón xuất khẩu;
  7. Phân bón phục vụ nghiên cứu khoa học.

Trình tự tiến hành thủ tục KTCL phân bón nhập khẩu:

- Bước 1: Doanh nghiệp nhập khẩu phân bón nộp bộ hồ sơ sau đến Cơ quan kiểm tra nhà nước (Tổ chức được chỉ định bởi Cục BVTV - Danh sách cập nhật đến 1/2023 tại đây). Cơ quan này kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ đăng ký KTCL trong thời gian 01 ngày làm việc.

- Bước 2: Lấy mẫu kiểm tra chất lượng

- Bước 3: Thông báo kết quả kiểm tra: 

Trong vòng 10 ngày kể từ ngày lấy mẫu, Cơ quan kiểm tra ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng phân bón nhập khẩu cho doanh nghiệp.

Hồ sơ đăng ký KTCL, bao gồm: 

- Giấy đăng ký kiểm tra nhà nước chất lượng phân bón nhập khẩu theo Mẫu số 22 tại Phụ lục I, nghị định 108/2017/NĐ-CP;

-  Bản sao các giấy tờ sau: Hợp đồng mua bán; danh mục hàng hóa kèm theo: Ghi rõ số lượng đăng ký, mã hiệu của từng lô hàng; hóa đơn hàng hóa; vận đơn (đối với trường hợp hàng hóa nhập theo đường không, đường biển hoặc đường sắt).

2. Công bố hợp quy:

Sau khi kiểm tra chất lượng, bạn cần công bố hợp quy cho mặt hàng phân bón của mình và đây cũng là bước cuối cùng trong các thủ tục chuyên ngành để nhập khẩu phân bón.

Bạn cần lưu ý là những phân bón nào phải kiểm tra chất lượng thì đều cần công bố hợp quy nhé, mặc dù kiểm tra chất lượng nhà nước và công bố hợp quy là hai công việc độc lập với nhau và không thể sử dụng kết quả thử nghiệm của nhau. Việc công bố hợp quy được tiến hành theo Thông tư số 55/2012/TT-BNNPTNT, nếu cần bạn có thể tham khảo thêm.

Trình tự công bố hợp quy:

Bước 1: Đánh giá hợp quy của đối tượng công bố với quy chuẩn kỹ thuật. Gồm 2 trường hợp:

- Trường hợp 1: Công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức thứ ba có thẩm quyền chứng nhận hợp quy. Kết quả nhận được là giấy chứng nhận hợp quy như dưới đây:

- Trường hợp 2: Công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Trường hợp này là bạn phải thử nghiệm mẫu tại phòng thử nghiệm được BNNPTNT chỉ định nhé.

Bước 2: Đăng ký bản công bố hợp quy theo mẫu tại phụ lục 13 của thông tư số 55/2012/TT-BNNPTNT, tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi tổ chức, cá nhân đó đăng ký sản xuất, kinh doanh.

Hồ sơ công bố hợp quy:

- Đối với trường hợp sử dụng kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận hợp quy:

  1. Bản công bố hợp quy;
  2. Bản sao có chứng thực chứng chỉ chứng nhận hợp quy của sản phẩm;
  3. Bản mô tả chung về sản phẩm.

- Đối với trường hợp tự đánh giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh:

  1. Bản công bố hợp quy;
  2. Bản mô tả chung về sản phẩm;
  3. Kết quả thử nghiệm mẫu;
  4. Quy trình sản xuất và kế hoạch kiểm soát chất lượng hoặc bản sao chứng chỉ phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trong trường hợp tổ chức, cá nhân công bố hợp quy có hệ thống quản lý chất lượng được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001:2008;
  5. Kế hoạch giám sát định kỳ;
  6. Báo cáo đánh giá hợp quy và thông tin bổ sung khác.

Kết quả công bố hợp quy:

Trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ công bố hợp quy nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân công bố hợp quy về việc tiếp nhận bản công bố theo mẫu quy định tại Phụ lục 15 ban hành kèm theo Thông tư 55/2012/TT-BNNPTNT. 

Đến đây là bạn đã hoàn thành công đoạn cuối cùng về thủ tục chuyên ngành đối với phân bón nhập khẩu rồi, sau đó bạn có thể làm thủ tục thông quan hải quan như bình thường.

Về thủ tục hải quan

Sau khi hoàn thành các công việc khảo nghiệm và công nhận lưu hành là bạn đã sẵn sàng để nhập khẩu chính thức mặt hàng phân bón mình cần vào Việt Nam.

Thời điểm hàng hóa về đến cảng, bạn mở tờ khai nhập khẩu như bình thường và làm công văn xin mang hàng về kho bảo quản. Tại kho, phân bón được lấy mẫu để tiến hành kiểm tra chất lượng và chờ  “Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước chất lượng phân bón nhập khẩu” của Cục Bảo vệ thực vật. Đồng thời, bạn tiến hành luôn công tác công bố hợp quy với sản phẩm của mình nhé. 

Sau cùng, bạn nộp “Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước chất lượng phân bón nhập khẩu” và “Giấy chứng nhận hợp quy” cho cơ quan Hải quan là lô hàng có thể thông quan. Như vậy là bạn đã hoàn thành toàn bộ quy trình nhập khẩu phân bón rồi đó.

>> Tìm hiểu thêm về Thủ tục hải quan tại đây

Đọc cả quy trình thì có vẻ khá dài, nhưng như tôi đã nói phía trên, phân bón là mặt hàng khá phức tạp và chịu sự giám sát quản lý chặt chẽ của các cơ quan hữu quan. Do đó, nhà nhập khẩu nên tìm hiểu kỹ trước khi làm.

Trường hợp bạn muốn thuê đơn vị dịch vụ hải quan làm thủ tục nhập khẩu phân bón cho nhanh chóng và yên tâm, chúng tôi sẵn sàng cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp nhất. Vui lòng gửi yêu cầu báo giá theo link dưới đây. 

Thủ tục hải quan & vận chuyển

Dịch vụ của Vinalogs giúp bạn xuất nhập khẩu hàng hóa nhanh chóng, tiết kiệm!

Làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu


Trong bài viết này, tôi đã trình bày toàn bộ quy trình thủ tục nhập khẩu phân bón, từ bước làm khảo nghiệm đầu tiên đến bước thông quan cuối cùng. 

Nếu bạn tìm thấy thông tin hữu ích trong bài viết này thì nhấp Like & Share để bạn bè cùng đọc nhé. Cám ơn bạn!

 

Người thực hiện: Nguyễn Ngọc Huy


Chuyển từ Thủ tục nhập khẩu phân bón về Xuất nhập khẩu

Chuyển từ Thủ tục nhập khẩu phân bón về Trang chủ


New! Comments

Have your say about what you just read! Leave me a comment in the box below.