Hiện nay các hãng tàu container thường khai thác 3 loại tuyến vận tải container chính:
- Tuyến đầu nọ-đầu kia (end-to-end)
- Tuyến vòng quanh thế giới (round-the-world)
- Tuyến quả lắc (pendulum)
Trên thực tế, các hãng đều kết hợp linh hoạt giữa các loại hình tuyến để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận chuyển. Dưới đây sẽ xem xét khái niệm và minh hoạ của mỗi loại tuyến vận tải container nêu trên.
Là tuyến vận tải container truyền thống hoạt động qua lại giữa hai chuỗi hoặc hai nhóm cảng tại mỗi đầu của khu vực hoạt động của tàu, đơn giản là chở hàng từ cảng này đến cảng khác. Với loại dịch vụ này, hãng tàu có thể phải chuyển vỏ ngược trở lại cảng ban đầu, do sự mất cân đối đang kể về mặt thương mại giữa hai đầu.[1] Ví dụ: dịch vụ PCX của hãng MOL từ Đông Á đi Bờ Tây Hoa Kỳ
Tuyến end-to-end của MOL
Dạng đơn giản của tuyến dịch vụ này chỉ là vận chuyển từ A đến B. Có thể thấy rõ ràng nhất là tuyến con thoi (shuttle) giữa hai cảng, chẳng hạn như Hải Phòng-Hồ Chí Minh ở Việt Nam.
Ngoài ra, một số tuyến feeder cũng có thể coi là một dạng end-to-end (như SVN2 của hãng Maersk Line trong hình dưới đây).
Tuyến con thoi (shuttle)
Một số tuyến con thoi phức tạp hơn, nối hai nhóm cảng với khoảng cách lớn (chẳng hạn như tuyến vận tải container JAS của hãng Evergreen). Có thể nói đây cũng gần giống với tuyến end-to-end đầy đủ.
Một dạng khác của tuyến end-to-end là dạng vòng lặp (loop). Theo đó tàu ghé tuần tự kế tiếp nhau theo vòng lặp lại. Ví dụ như dịch vụ IEX của hãng NYK như hình dưới đây.
Tuyến vòng lặp (loop service)
Tuyến quả lắc đầu tiên được hãng Yang Minh Line đưa ra áp dụng vào cuối năm 1986, Các tàu trên tuyến chạy tới và lui giữa ba lục địa; với một trong ba lục địa đóng vai trò như tâm quả lắc.[2] Các điểm tại một trong hai đầu cuối của quả lắc chỉ nối với nhau qua tâm quả lắc. Về hình dáng, tuyến vận tải container dạng này cũng gần giống hình số 8, trong đó hai chuỗi cảng hai đầu nối với nhau qua tâm số 8 (tâm quả lắc).
Ví dụ tuyến ESA của hãng Evergreen (hình dưới), trong đó hai điểm đầu là Nam Mỹ và Đông Á nối với nhau qua tâm quả lắc là Nam Phi.
Tuyến quả lắc (pendulum service)
Trong phạm vi hẹp hơn của môt vùng (chẳng hạn Đông Á), một số hãng cũng sử dụng mô hình tuyến quả lắc bằng việc nối hai chặng vận chuyển feeder thông qua một cảng, thường là cảng trung tâm (hub port). Chẳng hạn như tuyến PGS của hãng NYK như hình dưới, hai nhánh nối với nhau qua cảng Manila, Phillipines.
Tuyến quả lắc (phạm vi vùng)
Tuyến vận tải container vòng quanh thế giới bằng đường biển còn gọi là tuyến toàn cầu (global service). Thực chất đây là sự kết nối của các tuyến dịch vụ end-to-end (đã nêu trên) thành một tuyến hoàn chỉnh vòng quanh trái đất, nối liền ba luồng hàng chính: xuyên Thái Bình Dương (Transpacific), xuyên Đại Tây Dương (Transatlantic), và Đông Á/Châu Âu.[3]
Tuyến vòng quanh thế giới đầu tiên được hãng tàu Evergreen của Đài Loan đưa ra vào năm 1984. Dịch vụ này chạy mất 69 ngày, do 10 tàu 4.000 TEU chạy mỗi hướng (về phía Đông và về phía Tây). Mỗi cảng trên tuyến có tàu ghé 2 lần một tuần.[4]
Năm 2005, một tuyến mới vòng quanh thế giới (AMAX: Asia-Med-America Express) 69 ngày được hãng tàu China Shipping Line đưa vào sử dụng, gồm 10 tàu 4.250TEU (cỡ tàu lớn nhất có thể qua kênh đào Panama). Dịch vụ này được thiết kế chủ yếu để phục vụ hàng xuất khẩu của Trung Quốc đi Châu Âu và Bờ đông của Bắc Mỹ, và chuyển container rỗng trên chặng quay về xuyên qua Thái Bình Dương từ Los Angeles, Mỹ. Dịch vụ AMAX này bắt đầu từ Trung Quốc, đi về hướng tây qua kênh đào Suez và Địa Trung Hải, tới bờ đông Hoa Kỳ, xuyên qua kênh đào Panama rồi sau đó vượt qua Thái Bình Dương về Trung Quốc (hình dưới).
Tham khảo
1. NORMAN J. LOPEZ (1992), Bes' Chartering and Shipping terms, p.391.>>Trở lại vị trí đang đọc
2. SEOK-MIN LIM (1996), Round-the-world service: The rise of Evergreen and the fall of U.S. Lines, Maritime Policy & Management, p.122 >>Trở lại vị trí đang đọc
3. SEOK-MIN LIM (1996), Round-the-world service: The rise of Evergreen and the fall of U.S. Lines, Maritime Policy & Management, p.120 >>Trở lại vị trí đang đọc
4. JEAN-PAUL RODRIGUE, CLAUDE COMTOIS AND BRIAN SLACK (2009), The geography of transport systems. http://people.hofstra.edu/geotrans/eng/ch3en/conc3en/evegreenrthew.html, accessed on 26/1/2010 >>Trở lại vị trí đang đọc
Chuyển từ Tuyến vận tải container về Vận tải container
Chuyển từ Tuyến vận tải container về Trang chủ
New! Comments
Have your say about what you just read! Leave me a comment in the box below.